Sáng kiến giữ rừng đầu nguồn

Sáng kiến giữ rừng đầu nguồn

Rừng đầu nguồn là vô giá đối với môi trường sinh thái, phục vụ cho sự phát triển bền vững của con người và chỉ những kiểm lâm làm nhiệm vụ giữ rừng mới hiểu rõ hơn hết những giá trị ấy. Nhưng trước áp lực phát triển kinh tế - xã hội, công việc giữ rừng là cả hành trình dài đầy chông gai.

Ông Bảy Ách trên đường tuần tra, bảo vệ rừng

Được lâm tặc tặng… hòm

Năm 1982, ông Nguyễn Văn Ách (Bảy Ách) xuất ngũ về làm ở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sông Bé (cũ), 5 năm sau, ông chuyển công tác về huyện Lộc Ninh. Năm 1997, khi chia tách tỉnh Sông Bé thành Bình Dương và Bình Phước, ông thuộc “người” của Bình Phước và từ năm 2003, giữ chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp. Tính đến nay đã sang năm thứ 34 ông gắn bó với rừng nhưng đôi chân đi rừng vẫn nhanh nhẹn như hồi mới vào ngành. 

Mỗi năm, đơn vị ông đều dọn đường vào mùa khô, đường đi rộng hơn 1m dài hơn 120km trong lâm phần được giao quản lý để tiện việc tuần tra. Thời gian đầu mới chia tách tỉnh, ông và đồng nghiệp đã đương đầu với nạn khai thác gỗ trái phép và phá rừng lầm rẫy. Mua chuộc không được thì lâm tặc dùng tới hình thức “khủng bố”. Cam go nhất vào khoảng năm 2003-2004, có lần ông được lâm tặc gửi tặng một… cái hòm, kèm dòng chữ “Binladen kính tặng anh Bảy” đặt trước nhà khiến vợ con ông nao núng. Nhưng nhờ phẩm chất kiên trung của bộ đội cụ Hồ được rèn luyện trong quân ngũ đã giúp ông Bảy đứng vững, vượt qua nỗi sợ hãi. Đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nên bây giờ nhắc lại ông chỉ cười xòa: “Giờ rất ổn rồi”. Ông còn cho biết, nhờ đời sống khá hơn và được tuyên truyền vận động nên dân địa phương không có phá rừng làm rẫy nữa.

Tiếc rừng bị phá

Trải qua chừng ấy thời gian, ông cũng chứng kiến nhiều khu rừng tự nhiên bị khai tử, chuyển đổi mục đích để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo ghi chép của ông, cứ sau mỗi lần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng tự nhiên do đơn vị ông quản lý chỉ còn 6.400ha (so với lúc mới chia tách tỉnh gần 10.000ha), trong đó khoảng 5.000 ha là rừng phòng hộ Đắk Quít thuộc đầu nguồn sông Đồng Nai.

Ông Bảy Ách phân tích, nếu tính kinh tế đơn thuần theo tiêu chí của Bộ NN-PTNT, cứ 1ha rừng có trữ lượng gỗ dưới 100m3 thì là rừng nghèo, trong khi đặc thù của vùng Đông Nam bộ chủ yếu là rừng khộp, có những khoảnh rừng có cả gỗ quý như giáng hương, cà chắc, da đá… thì vẫn là rừng giàu, nếu tính giá trị đa mục đích (sinh thái, môi trường…). Vì vậy, diện tích rừng nào bị phá, ai cũng thấy tiếc vì bất cứ lý do gì.

Từ ngày về Bù Đốp, ông đã nhiều lần đề nghị các ngành chức năng phải cân nhắc thật kỹ trước khi chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp, vì khi đã khai thác trắng rồi sẽ khó có thể phục hồi lại được. Tuy nhiên, điều trớ trêu là dù đã “nặng lòng với rừng” nhưng đôi khi ông phải đành lòng ký vào các biên bản kiểm kê để hoàn tất thủ tục xóa sổ các cánh rừng tự nhiên đang xanh tốt do chủ trương của cấp trên.

Tái tạo màu xanh

Tâm huyết với việc giữ rừng và xuất phát từ diện tích rừng tự nhiên ngày càng suy giảm, ông Bảy Ách và đồng nghiệp đã có nhiều sáng kiến để ngăn chặn cháy rừng vào mùa khô, như biện pháp đào 14 hố chứa nước nhỏ với diện tích khoảng 20m2/hố, bên dưới trải bạt để khi mưa xuống sẽ tích nước để chữa cháy tại chỗ trong mùa khô; hay tái tạo rừng bằng cách trồng cây gáo nước trên diện tích bán ngập ở vùng lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Cây gáo nước có tỷ lệ sống bằng hạt rất cao, mức độ tái sinh dày, lúc đầu trồng được khoảng 30ha (năm 2012), sau tỉnh thấy hiệu quả nên đã hỗ trợ kinh phí nhân rộng và đến nay đã trồng được 200ha và mô hình này được một số tỉnh bạn như Đắk Nông, Đắk Lắk học theo để tái tạo từng. Nhờ gầy dựng được rừng bán ngập nên Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đang xây dựng dự án khu du lịch sinh thái để lấy kinh phí tiếp tục đầu tư cho công tác bảo vệ giữ rừng.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục