Sáng tác văn học - Chỉ có hay và dở

Sáng tác văn học - Chỉ có hay và dở

>> Hãy để thời gian phán xét dòng văn học thị trường

>> Có nên quá ác cảm với tác giả trẻ?

Có những sáng tác gây sốc cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, có những mốc doanh số bán sách khiến các nhà văn gạo cội cũng phải kinh ngạc. Những cây bút trẻ sinh ra trong  thập niên 80, 90 của thế kỷ trước đang có ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự đa dạng của văn học Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, chính họ và cả với những người trong giới văn chương cũng đang bối rối, ngơ ngác với câu hỏi lớn “tác giả trẻ, họ là ai?”.

Bạn đọc giao lưu với tác giả trẻ

Sợ trách nhiệm nhà văn

Trong tác phẩm Thời gian để yêu, Hamlet Trương - một trong những cây bút trẻ có nhiều tác phẩm được bạn đọc chú ý, thừa nhận điều sợ nhất không phải sách bán ế mà lo sẽ bị gọi là… nhà văn do có sách xuất bản. Anh Khang - nhà văn trẻ cùng nổi danh với Hamlet Trương, đồng thời là hội viên Hội Nhà văn (HNV) TPHCM, tiết lộ cái sợ bị gọi là nhà văn không phải bởi không thích mà là sợ trách nhiệm từ hai chữ nhà văn mang lại. Với Anh Khang, hai chữ “nhà văn” rất cao quý, gắn với danh hiệu nhà văn thì tầm viết phải ở mức độ nào đó rồi. Và quan trọng nhất là nhà văn phải có một sứ mệnh nào đó, sáng tác phải hướng đến một trách nhiệm nào đó.

Thế nhưng, sứ mệnh cũng là điều ám ảnh các cây bút trẻ hôm nay. Anh Khang than thở: “Xin đừng đặt gánh nặng sứ mệnh lên vai những người viết trẻ”. Rất nhiều cây bút trẻ, nhà phê bình thế hệ đi trước khi nhắc đến các nhà văn trẻ luôn đặt ra câu hỏi về sứ mệnh của nhà văn trẻ. Và với con mắt “sứ mệnh” đó, họ có những đánh giá, phê phán tác phẩm của các cây bút trẻ hôm nay một cách nặng nề, thậm chí đôi khi là phiến diện. Có người cho rằng, người trẻ viết tách biệt với cuộc sống, viết cái mình thích hơn cái bạn đọc muốn. Có nhà phê bình cực đoan hơn khi công khai khẳng định không muốn đọc, xem những tác phẩm trẻ mà theo họ là “rẻ tiền”.

Chính cách nhìn nặng nề đó đã khiến nhiều tác giả trẻ co mình lại, tự tách mình ra khỏi dòng chảy văn học trong nước. Chính điều này đã làm nảy sinh mâu thuẫn kỳ lạ là tác giả có tác phẩm càng nổi tiếng, bán chạy thì lại càng ít quan hệ, giao du với giới văn chương, trừ một số cây bút trẻ có nghề nghiệp liên quan đến giới văn học.

Tuổi trẻ không phải rào cản

Tại cuộc hội thảo về nhà văn trẻ hiện nay vừa tổ chức tại Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, những cây bút gạo cội, những người có trách nhiệm với người sáng tác cùng các bạn đọc, người sáng tác trẻ đã có dịp ngồi lại với nhau để trả lời câu hỏi “Tác giả trẻ, họ là ai?”.

Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh thẳng thắn cho rằng, việc dùng cụm từ “văn học trẻ” để chỉ những sáng tác của người trẻ tuổi, bản chất đã là không ổn, bởi văn học không phân chia “già hay trẻ” mà chỉ có “hay và dở”. Ông lấy ví dụ, nhà thơ Chế Lan Viên viết tác phẩm Điêu tàn năm mới 17 tuổi, rất trẻ, thế nhưng tác phẩm chạm tới những vấn đề căn cốt của nhân loại, những vấn đề mà nhân loại dù già hay trẻ, dù đến tận cùng của cuộc đời vẫn chỉ băn khoăn từng đó thôi.

Cũng theo Hoài Anh, người trẻ không quên lịch sử, thế nhưng họ thể hiện điều đó theo cách của họ, hay nói cách khác là cách của thời đại họ đang sống. Những người viết có tuổi nên cố gắng hiểu những người trẻ, thay vì cứ lấy tâm thế của thế hệ đi trước để nhận định thì không thể chia sẻ với các bạn viết hôm nay được.

Tuy Anh Khang đại diện các cây bút trẻ cho rằng, người trẻ sợ áp lực sứ mệnh, trách nhiệm nhưng những bạn đọc trẻ, những sinh viên ngành văn chương lại không nghĩ vậy. Họ cho rằng, không thể phủ nhận một thực tế là các sáng tác trẻ đã và đang góp phần không nhỏ giúp khởi sắc văn học đọc hiện nay. Những người trẻ thành công đã thúc đẩy các bạn đồng trang lứa viết nhiều hơn, ra mắt sách nhiều hơn. Và khi mỗi tác phẩm của họ chạm đến một lứa bạn đọc khác nhau, tức đã góp phần thúc đẩy người ta đọc sách nhiều hơn.

Khai phá những con đường mới

Trong vài tuần qua, người ta hay nhắc đến tác phẩm Mộ phần tuổi trẻ của cây bút Huỳnh Trọng Khang. Một phần ở nội dung khi nhân vật chính là con trai của một viên tướng chế độ cũ và bối cảnh ở miền Nam (năm 1968) chiến tranh đang khốc liệt nhất. Tác giả đã tái hiện một thế hệ mất niềm tin, nổi loạn, giãy giụa trong thời cuộc mà tương lai hầu như không có.

Đây là đề tài lạ, rất ít nhà văn hiện nay viết. Nhưng điểm đáng chú ý nhất của tác phẩm lại chính ở bản thân tác giả, Huỳnh Trọng Khang chỉ mới hơn 20 tuổi! Dĩ nhiên, người ta có quyền nghi ngờ về giá trị tác phẩm nhưng không ai nghi ngờ về sự dũng cảm của tác giả khi một cây bút của thời bình, thời hiện tại lại chọn một đề tài phức tạp, khó khăn đến thế. Đó chính là ưu thế của tuổi trẻ, dám dấn thân, chấp nhận thử thách.

Trước Huỳnh Trọng Khang, văn học cũng ghi nhận không ít sự phiêu lưu tương tự, như Hạt hòa bình của Minh Moon viết về chiến tranh biên giới Tây Nam từ con mắt của một chàng trai thế kỷ 21 đi ngược thời gian! Rồi Người ngủ thuê của Nhật Phi, phản ánh xã hội bằng thể loại văn học giả tưởng… Dù có thành công hay không, nhưng ít nhất những tác phẩm đó cũng giúp văn học Việt trở nên sống động, tràn ngập hơi thở cuộc sống.

Nhưng như nhật xét của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, vẫn còn ít tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội, những vấn đề thời sự. Có lẽ họ còn e ngại cái trách nhiệm, sứ mệnh mà nhiều người hay quàng cho họ. Và với cách nhìn nhận mới, phóng khoáng hơn, chúng ta có quyền hy vọng về những sáng tác tiếp theo của các cây bút trẻ, vốn đầy năng động và luôn chấp nhận thử thách.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục