Hãy để thời gian phán xét dòng văn học thị trường

Sau Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật 2016, ngày 12-11, tại trường Đại học KHXH&NV TPHCM diễn ra buổi tọa đàm "Văn học trẻ TPHCM - Một cái nhìn".
Hãy để thời gian phán xét dòng văn học thị trường

(SGGPO).- Sau Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật 2016, ngày 12-11, tại trường Đại học KHXH&NV TPHCM diễn ra buổi tọa đàm "Văn học trẻ TPHCM - Một cái nhìn".

Buổi tọa đàm diễn ra hết sức sôi nổi, có nhiều góc nhìn khác nhau, cùng hướng về một cái nhìn chung là văn học trẻ TPHCM ngày hôm nay.

Nhiều người viết trẻ tham dự buổi tọa đàm

Tham gia buổi tọa đàm có nhà Văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM; nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban nhà văn trẻ TPHCM; nhiều nhà thơ, nhà văn khác đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Hai tác giả đang được rất nhiều bạn đọc trẻ tuổi quan tâm là Nguyễn Phong Việt và Anh Khang cũng tham dự buổi tọa đàm.

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà văn Trần Văn Tuấn cho biết, trong văn chương cũng như trong cuộc sống, không ai có thể sống thay, hay viết thay cho người khác được. Chính vì vậy, những người trẻ hôm nay có cách nhìn, tầm nhìn như thế nào thì rồi hướng đi sẽ về nơi đó. Hướng đi đúng, sẽ đem đến kết quả tốt và ngược lại.

Với nhà thơ Phan Hoàng (Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM), thì những người viết văn trẻ ngày trước đa phần sáng tác, làm việc trong điều kiện khó khăn. Còn lực lượng văn học trẻ ngày nay, sinh ra khi đất nước đã hòa bình, được đào tạo bài bản, có cơ hội tiếp thu nhiều nguồn tri thức của thế giới mà thế hệ viết văn trẻ trước đây không có được. Điều kiện phát hành cũng dễ dàng. Những người viết văn trẻ TPHCM hôm nay được quyền mạnh dạn thể hiện tài năng sáng tạo, tự tin công bố tác phẩm ngay cả khi chưa hoàn chỉnh.

Theo nhà thơ Phan Hoàng, văn học trẻ TPHCM hôm nay có hai dòng chảy song song. Dòng chảy thứ nhất là tác phẩm của những tác giả đề cao tính nghệ thuật, cố gắng tìm tòi cách thể hiện mới, đi sâu vào hiện thực bộn bề đời sống, nội tâm con người hiện tại. Tuy nhiên, số lượng phát hành những tác phẩm này thường rất ít, chưa được bạn đọc đón nhận rộng rãi.

Dòng chảy thứ hai là những tác phẩm của các cây bút chạy theo thị hiếu độc giả, đề tài ngôn tình, mang tính giải trí, dành cho tuổi mới lớn. Những tác phẩm thuộc dòng văn học này được tiếp nhận nồng nhiệt, nhưng lại không được giới phê bình đánh giá cao.

Nhà thơ Phan Hoàng cho biết: “Tất nhiên vẫn có những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật vừa bán chạy, nhưng rất hiếm. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong buổi tọa đàm này là làm sao cho những tác phẩm của người viết trẻ vừa có giá trị nghệ thuật đích thực, có sức sống bền lâu, lại được đông đảo bạn đọc đón nhận”.

Từ sau vấn đề mà nhà thơ Phan Hoàng đặt ra, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra, với nhiều ý kiến khác nhau.

Trước những ý kiến cho rằng, những cuốn sách thỏa mãn thị hiếu bạn đọc, chạy theo thị trường thường không có giá trị nghệ thuật cao, Anh Khang, tác giả của cuốn Buồn làm sao buông từng gây sốt một thời gian cho rằng, văn học có 3 tính: tính nghệ thuật, tính dân tộc, tính thời đại. Tác phẩm ra đời ở thời đại nào thì sẽ mang hơi thở, nhân sinh quan của thời đại đó.

Lý giải cho việc mình theo dòng văn học thị trường, Anh Khang cho biết thời đại ngày nay là thời đại công nghệ, văn hóa nghe nhìn đóng vai trò chủ yếu. Chính vì vậy những người viết văn trẻ như anh cũng lớn lên bằng dòng văn học mạng, tiếp cận với bạn đọc bằng internet, facebook.

Anh Khang lấy dẫn chứng: “Mới cách đây 2 ngày thôi, bầu cử tổng thống ở Mỹ cách xa chúng ta nửa vòng trái đất vậy mà chúng ta biết được từng giây từng phút ứng viên nào được bao nhiêu phiếu bầu. Mọi thứ được tương tác từng giây từng phút, công nghệ thông tin bao trùm lên tất cả. Thành thử cách tiếp cận với văn học cũng khác với những thế hệ viết văn trước đây”.
 
Theo Anh Khang, nhà phê bình chính xác nhất, công tâm nhất, ngoài độc giả thì chính là thời gian. Vì vậy, tác phẩm nào ở lại, tác phẩm nào ra đi, hãy để thời gian phán xét.

Phản biện lại ý kiến của tác giả Anh Khang, một số bạn trẻ đang theo học tại trường ĐHKHXH&NV TPHCM cho biết, khi ra nhà sách, họ không quan tâm sách xuất bản được nhiều hay ít, mà quan tâm sách đó có chất lượng, có gì cho họ học hỏi được hay không để tìm mua.

Kết thúc buổi tọa đàm, một số nhà văn, nhà thơ… cho biết, lâu nay, nhiều người thường gắn cho những người viết văn trẻ những sứ mệnh, yêu cầu họ phải thực hiện. Với tư cách là Trưởng ban Nhà văn trẻ TPHCM, nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết: “Chúng ta hay đặt nặng vấn đề sứ mệnh. Đó là những điều rất trăn trở. Theo tôi sứ mệnh, hay gọi là đạo đức lớn nhất của một nhà văn là viết lên một tác phẩm hay. Còn tác phẩm tồn tại được bao lâu hãy để thời gian trả lời”.


XUÂN THỦY

Tin cùng chuyên mục