Sáng tạo mới, giữ hồn văn hóa làng nghề Việt

Thời kỹ thuật số, nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, trong đó nguyên nhân chủ yếu là thiếu đầu ra cho sản phẩm. Tổ chức Fashion4Freedom đã mang đến giải pháp hiệu quả trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công truyền thống bằng cách đưa sản phẩm của nghệ nhân Việt ra với thế giới.
Sáng tạo mới, giữ hồn văn hóa làng nghề Việt

Thời kỹ thuật số, nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, trong đó nguyên nhân chủ yếu là thiếu đầu ra cho sản phẩm. Tổ chức Fashion4Freedom đã mang đến giải pháp hiệu quả trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công truyền thống bằng cách đưa sản phẩm của nghệ nhân Việt ra với thế giới.

Làng nghề truyền thống đến với thế giới

Lấy cảm hứng từ những làng nghề thủ công truyền thống ở Huế, tổ chức Fashion4Freedom (viết tắt là F4F) đã tạo nên những sản phẩm thời trang kết hợp hài hòa giữa văn hóa Đông và Tây. Lanvy Nguyễn là một doanh nhân người Mỹ gốc Việt hiện đang sinh sống ở New York, Mỹ. Chị theo gia đình định cư ở Mỹ từ năm 7 tuổi. Tốt nghiệp Đại học Boston chuyên ngành tài chính - marketing, sau hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, Lanvy Nguyễn quyết định theo đuổi ước mơ thiết kế thời trang cùng với một hướng rẽ cuộc đời bằng cách quay về Việt Nam.

Một mẫu thiết kế guốc hình rồng lạ mắt.

Với mong muốn rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu tiêu dùng ở các nước phương Tây và người sản xuất tại các công xưởng, làng nghề thủ công ở Việt Nam, cùng với cộng đồng nghệ nhân và các cộng sự, chị đã lập nên F4F, một tổ chức dựa trên công bằng thương mại, đạo đức kinh doanh và phát triển cộng đồng. Thành lập vào năm 2009, F4F có 2 trụ sở chính ở New York và Việt Nam.

Ở Việt Nam, F4F có 3 nhánh Village Sourcing ở Huế, SaiGon Laundry và SaiGon Socialite nhằm thúc đẩy kinh doanh theo phương thức tạo nên chuỗi cung ứng từ việc hỗ trợ và thu mua sản phẩm ở những làng nghề thủ công, hỗ trợ sản xuất và mang sản phẩm ra thị trường.

Khởi đầu với việc hỗ trợ các doanh nghiệp ở Huế và vùng lân cận, nhất là các hộ gia đình kinh doanh những mặt hàng thủ công bằng việc cho vay để mua máy móc thiết bị, đào tạo kinh doanh, tiếp cận thị trường. Những người sau khi nhận hỗ trợ sẽ đền đáp bằng cách đóng góp lại cho cộng đồng. Trong một chuyến đi của tổ chức F4F hỗ trợ máy móc thiết bị mới cho gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tòng ở phường Đúc (Huế) Lanvy Nguyễn đã nảy ra ý tưởng thiết kế những đôi guốc có phần đế làm từ những sản phẩm điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Văn Tòng.

Lanvy Nguyễn kể lại: “Ông Tòng là một nghệ nhân điêu khắc hình rồng trên cột của các ngôi chùa ở Huế. Trong một lần đem máy móc đến gia đình ông Tòng, khi trò chuyện tôi vô tình đứng bên cạnh một cây cột được chạm khắc hình rồng và lóe lên ý tưởng, sẽ rất tuyệt nếu đem mẫu rồng này để thiết kế trên những đôi guốc”.

Sau đó Lanvy Nguyễn và cộng sự bắt tay vào việc thiết kế, tìm kiếm nguồn vật liệu cũng như nơi sản xuất. Phần đế chạm khắc hình rồng được nghệ nhân Nguyễn Văn Tòng chế tác từ gỗ cây xoan, vải hoặc mít, được cắt và bào mài tỉ mỉ, sau đó chạm khắc những hoa văn cầu kỳ, công phu rồi đem nung nóng trong nhiều giờ để phần gỗ thêm rắn chắc. Sau khi hoàn thành, đế guốc sẽ được chuyển cho người thợ đóng giày kết hợp với da để hoàn tất công đoạn cuối cùng.

Do đế guốc được làm bằng tay nên phần đóng đế gặp rất nhiều khó khăn so với các loại đế cao su hay đế đúc sẵn khác. Người thợ phải vừa đóng vừa tự sửa để phần da và phần đế vừa vặn với nhau - anh Liên Hợp, một trong những người thợ phụ trách phần đóng đế cho những đôi guốc hình rồng, cho biết. Sau khoảng thời gian từ 18 đến 20 ngày mới hoàn tất được một đuôi guốc chạm khắc. Sau đó, chúng được Lanvy Nguyễn đem đến một triển lãm thời trang ở New York.

Những đuôi guốc chạm khắc hình rồng này đã được Cool Hunting - một tạp chí trực tuyến chuyên về những sáng tạo trên thế giới để mắt đến. Trong vòng 1 tuần, bài báo viết về những đôi guốc chạm khắc của Việt Nam đã được chia sẻ trên khắp 160 quốc gia. Lanvy Nguyễn cho biết: “Sau bài báo trên Cool Hunting, đại diện truyền thông của một số nhân vật nổi tiếng đã liên hệ với chúng tôi, thoạt đầu họ tìm đến vì kiểu dáng của sản phẩm, sau đó là vì những câu chuyện đằng sau chúng, những câu chuyện về người thợ thủ công ở Việt Nam”.

Trao quyền sáng tạo cho người thợ

Sau thành công của những đuôi guốc chạm khắc, với cách làm tương tự Lanvy Nguyễn và các cộng sự ở F4F đã tiếp tục hành trình mới đến với làng nghề dệt vải thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Khác với nghề chạm khắc trên các cột gỗ, người Tà Ôi dệt vải thổ cẩm không chỉ để duy trì nghề truyền thống của ông cha mà còn để gìn giữ một thứ ngôn ngữ của riêng mình khỏi bờ vực thất truyền.

Người Tà Ôi nằm trong số 28 dân tộc thiểu số ở Việt Nam không có hệ thống chữ viết. Cách mà họ giao tiếp với nhau và cả với những người bên ngoài là qua các tác phẩm thủ công như vải thổ cẩm mà họ dệt. Từ những hạt cườm được đính trên nền vải màu sắc, hình vẽ, tất cả đều có một ý nghĩa đặc biệt. Người Tà Ôi dệt vải bằng những bộ khung dệt làm bằng tre, với cách làm thủ công truyền thống người nghệ nhân phải mất 1 tuần để hoàn tất một tấm vải 3m.

Mẫu thiết kế áo khoác từ vải thổ cẩm và guốc hình rồng.

Tuy nhiên, không thể cạnh tranh với thị trường nên nhiều người thợ đã bỏ nghề. Chị Nguyễn Thị Thoại - một trong số ít những nghệ nhân còn duy trì nghề dệt vải thổ cẩm, cho biết: “Hoa văn trên vải thổ cẩm của người Tà Ôi được lấy từ chính lịch sử của dân tộc. Qua các tấm vải thổ cẩm này, chúng tôi kể lại những câu chuyện của dân tộc mình từ đời này sang đời khác”. Cách mà những người thợ ghi chép truyền thuyết, thi ca qua hoa văn và màu sắc của từng tấm vải đã hấp dẫn Lanvy Nguyễn và chị đã mong muốn giữ lại nét văn hóa độc đáo này qua những sản phẩm thời trang.

Được sự hợp tác của chị Thoại và những nghệ nhân trong làng, Lanvy Nguyễn đã thiết kế nên những chiếc áo khoác, váy, đầm từ chất liệu vải thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi.

Lanvy Nguyễn chia sẻ về những sản phẩm của mình: “Những đôi guốc chạm khắc hay trang phục từ vải thổ cẩm đều là những sản phẩm độc đáo và riêng biệt. Mỗi khi thiết kế, chúng tôi đều lắng nghe ý kiến của những nghệ nhân, người thợ, trao quyền sáng tạo cho họ trong từng sản phẩm. Tôi nghĩ, họ chính là những người gắn bó lâu dài với nghề, trực tiếp sáng tạo nên các sản phẩm đó phải kể câu chuyện của chính họ”.

Cách làm của Lanny Nguyễn đã cho thấy muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống hiện nay rất cần những động lực, những sáng tạo có thể ứng dụng, thiết thực với nhịp sống thời đại. Ngoài việc tôn vinh các nghệ nhân làng nghề, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, việc tìm một lối ra cho sản phẩm, cũng là yếu tố then chốt. Việc này với chúng ta còn thiếu và quá yếu. Nguyên nhân ban đầu có thể do nhận thức chưa đúng rằng làng nghề chỉ đơn thuần là hoạt động kinh tế phụ.

Là những sản phẩm đơn chiếc được chế tác bằng phương pháp thủ công, liên kết chặt chẽ với cộng đồng, hợp tác hỗ trợ trong sản xuất với tinh thần cạnh tranh lành mạnh là một yếu tố quan trọng. Ngày nay, nhu cầu xã hội đã có nhiều thay đổi, nhất là nhu cầu xuất khẩu, mẫu mã, chủng loại sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống cần được thay đổi và thích nghi mới mong có chỗ đứng trong thị trường. Sản phẩm làm ra vừa phải chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống, tiếp thu những tinh hoa của cha ông vừa phải đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội đương đại.

Từ những sản phẩm của tổ chức F4F đã cho thấy một hướng phát triển mới cho những làng nghề truyền thống ở Việt Nam, kết nối giữa thời trang và văn hóa, giữa truyền thống và hiện đại… Vốn được biết đến bởi những nỗ lực bảo tồn di sản nghệ thuật và nghề thủ công bằng những sản phẩm như guốc chạm khắc, trang phục từ vải thổ cẩm của người Tà Ôi, sắp tới tổ chức F4F còn phát triển hướng bảo vệ di sản ẩm thực.

NGỌC UYỂN

Tin cùng chuyên mục