Hỏi: Phải chăng sao la là loài thú hiếm chỉ có ở rừng núi Nghệ -Tĩnh, như tên gọi khoa học của nó: Pseudoryx nghetinhensis? Hiện nay loài thú này được bảo tồn ở đâu và như thế nào?
Nguyễn Văn An
(Thị xã Đông Hà, Quảng Trị)
KHÁNH TƯỜNG: Sao la sở dĩ có tên Pseudoryx nghetinhensis vì lần đầu tiên loài này được phát hiện ở rừng núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào tháng 5-1992. Lúc đầu sao la được gọi là dê sừng dài và trong tiếng Anh gọi là VuquangOx (bò Vũ Quang). Ngày 3-6-1993, sao la (tiếng Thái) mới được đặt tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis và cũng từ đó sao la được dùng thay cho tên dê sừng dài.
Sao la hiện diện ở các khu vực: vườn quốc gia Pù Mát, vườn quốc gia Vũ Quang, huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) và huyện Đông Giang-Tây Giang (Quảng Nam). Sao la cũng hiện diện tại 5 tỉnh của Lào. Cuộc khảo sát vào năm 2004 cho thấy số lượng sao la đã bị giảm, diện tích phân bố bị thu hẹp. Nâng cao nhận thức và tạo nguồn thu vững chắc cho người dân là biện pháp giảm nạn săn bắt sao la bừa bãi.