(SGGPO).- Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, vào tháng 4 tới sẽ có thêm 160.000 liều vaccine ngừa viêm não mô cầu được nhập về.
Điều trị cho một bệnh nhân bị viêm não mô cầu ở Hà Nội
Theo đó, hai loại vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu đang lưu hành tại nước ta gồm: vaccine Polysaccharide meningococcal A+C và vaccine VA-MENGOC-BC do Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu. Theo báo cáo của các công ty nhập khẩu, từ tháng 7-2015 đến nay đã có hơn 90.000 liều vaccine Polysaccharide meningococcal A+C và 400.000 liều VA-MENGOC-BC được nhập khẩu về Việt Nam.
Tiếp đó đến tháng 4-2016, sẽ có 60.000 liều vaccine phòng bệnh nhiễm não mô cầu Polysaccharide meningococcal A+C (do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất) và 100.000 liều vaccine VA-MENGOC-BC do Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu tiếp tục được cung ứng cho Việt Nam. Đồng thời, hiện tại kho của Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 còn tồn gần 150.000 liều vaccine VA-MENGOC-BC.
Được biết, trước nguy cơ bùng phát của dịch viêm não mô cầu, những ngày gần đây, nhiều người đã tới các cơ sở tiêm chủng vaccine để tiêm vaccine ngừa viêm não mô cầu nhưng hầu hết đều phải ra về vì không còn vaccine.
PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ, vaccine được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Cần lưu ý, khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Bộ Y tế, viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Trước kia, bệnh dễ gây thành dịch lớn và có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao. Tuy nhiên, hiện nay số nhiễm bệnh đã giảm đi rất nhiều. Theo số liệu thống kê tính từ năm 2011 tới nay, cả nước có 610 ca nhiễm bệnh và năm có số người mắc bệnh cao nhất là năm 2011 với 272 ca nhiễm viêm não mô cầu. Từ năm 2012, số ca nhiễm bệnh viêm não do mô cầu cũng như các ca tử vong do bệnh đã giảm dần. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 tới nay, cả nước cũng đã ghi nhận 6 ca nhiễm viêm não mô cầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Hải Dương.
NGUYỄN QUỐC