Sát cánh cùng đồng bào miền Trung

Sau bão, chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung huy động lực lượng cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 11. Bên trong hàng vạn ngôi nhà bị sập, bị hư hỏng là hàng triệu những câu chuyện sẻ chia. Miền Trung đang cần sự chung tay của cả nước để đứng lên sau bão.
Sát cánh cùng đồng bào miền Trung

Sau bão, chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung huy động lực lượng cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 11. Bên trong hàng vạn ngôi nhà bị sập, bị hư hỏng là hàng triệu những câu chuyện sẻ chia. Miền Trung đang cần sự chung tay của cả nước để đứng lên sau bão.

Ngay khi nhận được thông tin, hơn 40.000 cây xanh (95% cây xanh TP Đà Nẵng) ngã, đổ, anh Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư Đoàn Công ty Công viên Cây xanh TPHCM đã nhanh chóng sắp xếp, cùng một đội 12 công nhân của công ty và các thiết bị chuyên dụng có mặt tại Đà Nẵng chiều 15-10. Đến hôm nay, đoàn vẫn đang miệt mài cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân Công ty Cây xanh Đà Nẵng xử lý cây ngã đổ. “Đến khi nào xong thì anh em chúng tôi mới về, chắc vài ngày nữa” - trong cơn mưa tầm tã chiều 19-10, anh Nguyễn Hữu Thọ cho biết. Không quản ngại, đoàn công tác Thành Đoàn TPHCM và đội ngũ y, bác sĩ tình nguyện TPHCM đã có mặt tại Liên Chiểu, Hòa Vang - Đà Nẵng; Đại Lộc, Hội An - Quảng Nam để khám bệnh, phát thuốc, tặng quà. Hơn 2.000 bà con vùng lũ đã tìm đến khám.

“Thương bà con quá, anh em chúng tôi dặn nhau sẽ cố gắng hết mình” - bác sĩ Nguyễn Thế Tấn, Khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy thay mặt đoàn cho biết. Ngay sau khi bão tan, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam nhanh chóng cử gần 200 cán bộ chiến sĩ đoàn viên thanh niên của Trung tâm huấn luyện - Cơ động và các đồn Biên phòng tuyến biển đến các địa bàn bị thiệt hại nặng để giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Ngôi nhà của chị Phạm Thị Hà, thôn 6, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình bị tốc mái trong cơn bão vừa qua đang được các chiến sĩ của Trung tâm huấn luyện Cơ động BĐBP Quảng Nam sửa chữa lại mái tôn. Gia đình chị Hà có hoàn cảnh khó khăn, chồng đi làm ăn xa, chỉ có chị và hai con nhỏ ở nhà khi bão số 11 tràn qua. Sau bão, ngôi nhà chỉ còn trơ lại 4 bức tường. Với Bộ đội biên phòng tỉnh, từ cơ quan Bộ chỉ huy đến các đơn vị biên phòng hầu hết đều bị thiệt hại, và nhiều ngôi nhà của gia đình cán bộ, chiến sĩ cũng nằm trong hoàn cảnh ấy, nhưng những người lính biên phòng tạm gác lại tất cả để lo cho dân, triển khai lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả sau bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết, ngoài các lực lượng tổng hợp của cả địa bàn tỉnh, Sư đoàn 315 cũng đã đưa hơn 250 chiến sĩ về giúp dân. Do địa phương đã chủ động làm tốt công tác dự báo và chủ động ứng phó với bão nên thiệt hại về người và tài sản đã được hạn chế đáng kể. Ngay sau khi bão tan, tỉnh đã huy động lực lượng tại chỗ như quân đội, công an, y tế cùng sự giúp đỡ của các địa phương trên cả nước nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, giúp người dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa, phục hồi các công trình công cộng để sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Chứng kiến những thiệt hại to lớn mà các địa phương phải chịu đựng, đoàn công tác TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM dẫn đầu, quyết định kéo dài chuyến cứu trợ khi tiếp tục đến Quảng Bình. Tại Quảng Bình, đoàn đã trao số tiền 1 tỷ đồng cho tỉnh và trao tặng 200 phần quà cho đồng bào nghèo bị ảnh hưởng nặng. Đoàn cũng đã đến thăm, hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ cho 3 gia đình có người chết trong bão tại Quảng Bình. Ngoài ra, đoàn đã gửi ngay cho Tỉnh ủy Nghệ An, Quảng Trị mỗi địa phương 300 triệu đồng; Hà Tĩnh 1 tỷ đồng (trước đó TPHCM đã hỗ trợ 600 triệu đồng)  góp phần khắc phục thiệt hại to lớn do bão gây ra.

HỒNG HIỆP


  • Quảng Bình: 600 đồng bào Rục đang bị cô lập

(SGGP).- Ngày 20-10, tại khu vực huyện Minh Hóa (Quảng Bình) mưa vẫn tầm tã khiến công tác khắc phục hậu quả bão lũ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đường vào với khoảng 600 đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa bị lũ cô lập nặng nề.

Ông Cao Chơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) và gia đình nhóm lửa sưởi ấm.

Ông Cao Chơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) và gia đình nhóm lửa sưởi ấm.

Theo Trưởng bản Ón, Trần Xuân Tư cho biết, đồng bào Rục năm nay bị lũ vây rất lâu, từ cơn bão số 8 đến bão số 11 gần 2 tháng, hiện mưa lớn vẫn diễn ra khiến đường đi vào ba bản Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ bị cô lập khiến giao thông với bên ngoài để tiếp tế lương thực, thực phẩm, đặc biệt là chữa bệnh cho những người ốm đau đột xuất khó khăn. Xã Thượng Hóa đã đưa ca nô vào Hung Trâu, nơi ngập sâu nhất đến 5m để phục vụ việc đi lại của bà con. Bộ đội biên phòng cho biết đã phát gạo cũng như trợ cấp các nhu yếu phẩm khác. Hiện bà con ở đây đang cần tiếp tế gạo, nước mắm, bột ngọt, cá khô để đương đầu vớt đợt lũ có thể kéo dài hơn một tháng.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục