Sau cổ phần hóa, quản trị thế nào?

Sau cổ phần hóa, quản trị thế nào?

Mục tiêu của đề án tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (DN) là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN. Thế nhưng, hầu hết các DN làm đề án tái cấu trúc, cổ phần hóa (CPH) chưa đưa ra được phương án hoạt động như thế nào sau CPH. Ngay cả những DN đã CPH trước đây, đến nay cũng chưa có báo cáo đánh giá về chất lượng hoạt động của mình. Nếu thực hiện CPH chỉ để đối phó, không đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của DN thì CPH chưa đi đúng mục tiêu đề ra.

Tìm sức bật sau cổ phần hóa

Tiến sĩ Trần Du Lịch đánh giá hiệu quả của hoạt động CPH: “CPH có sức bật ghê gớm, nếu không làm sớm thì sẽ không có Vinamilk, cơ điện lạnh REE như ngày nay…”. Thế nhưng, khi các đại biểu chất vấn về hiệu quả hoạt động của DN sau CPH thì TPHCM chưa có báo cáo đánh giá cụ thể, mặc dù thời gian qua đã CPH được rất nhiều DN. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh REE thừa nhận, DN CPH được cởi trói về cơ chế. Thứ nhất, nếu là DN nhà nước, muốn quyết định điều gì phải xin ý kiến cấp trên, trong khi thời cơ kinh doanh diễn ra rất nhanh, quyết định chậm sẽ mất cơ hội. Khi chuyển qua cổ phần rồi thì DN được tự quyết các hoạt động kinh doanh của mình một cách nhanh chóng, hiệu quả. Thứ hai, DN cổ phần sẽ được quyền tự quyết về tài chính, được trả lương cao nên thuê được lao động giỏi, kể cả lao động người nước ngoài có trình độ cao. Ngoài ra, chế độ thưởng cũng thoáng hơn, nếu người điều hành đem lại lợi nhuận vượt kế hoạch thì được thưởng theo tỷ lệ phần trăm trên số vượt. Do vậy, DN sau cổ phần dễ thu hút người tài.

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tái cấu trúc, cổ phần hóa. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, DN nào chậm CPH là do mình. Tuy nhiên, không nên làm CPH để đối phó, để cho kịp tiến độ mà không xác định được mục tiêu đổi mới, tái cấu trúc, nâng cao chất lượng hoạt động sau CPH. Đó là đổi mới trang thiết bị, máy móc, đào tạo nguồn nhân lực để DN hoạt động hiệu quả hơn. Như nhận định của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Huỳnh Thành Lập, việc thoái vốn trong năm qua có chuyển biến, nhưng hoạt động CPH lại chưa có đột phá. Do vậy, vấn đề các đại biểu quan tâm đặt “đề bài” trong các đề án cổ phần của các DN nhà nước vừa qua là “hiệu quả sau CPH là gì?”. Các đại biểu xác định, CPH không phải là bán bớt vốn hay thu lời, mà nhằm mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của DN. Do vậy, các DN phải tìm được sức bật sau CPH thì mới phát triển được.

Đối phó, khó phát triển

Ông Huỳnh Trung Lâm, Phó ban Đổi mới DN nhà nước cho biết, trong năm 2015 TPhcm sẽ tập trung CPH 20 DN nhà nước. Tuy thời gian gấp rút nhưng DN không được làm để đối phó, mà phải tập trung vào đề án đổi mới bộ máy, máy móc, đáp ứng yêu cầu theo cơ chế thị trường.

Thế nhưng, ngay những DN đã CPH trước đây cũng chưa đưa ra được đề án hay tổng kết so sánh hiệu quả sau CPH so với trước. Ví dụ như Tổng Công ty Bến Thành từ năm 2001 - 2017 đã CPH được 8 DN. Nhưng khi nói về hiệu quả CPH thì công ty chỉ đưa được con số bán cổ phiếu với giá cao gấp đôi so với giá vốn. Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cũng tập trung CPH 6 DN. Nhưng vấn đề mà DN quan tâm lại là việc sau thoái vốn, CPH, nhà nước giữ lại tỷ lệ vốn thấp không đủ chi phối để điều hành DN theo sự phát triển của TP. Có nghĩa là vấn đề quản trị DN được lo lắng trên cơ sở ai nắm quyền quản trị theo tỷ lệ vốn góp đa số, mà các DN chưa thuyết phục bằng kế hoạch đổi mới, nâng cao năng lực quản trị của mình.

Mục tiêu của Nhà nước đặt ra sau CPH là muốn cho tư nhân tham gia vào công ty, người quản lý điều hành phải chịu áp lực của cổ đông mà phát triển. Thế nhưng, nỗi lo của hầu hết các DN nhà nước là sợ mất quyền kiểm soát, mất vai trò quản lý điều hành! Nếu những DN làm ăn hiệu quả không cao, lâu nay dựa vào lợi thế đất đai, chi phối của Nhà nước mà nay CPH vẫn không đưa ra được phương án đổi mới, vẫn những người cũ quản trị thì khác nào “bình mới, rượu cũ”!

THẢO NHI

Tin cùng chuyên mục