Sáu cựu quan chức đường sắt bị đề nghị phạt từ 6 - 13 năm tù

Chiều 26-10, phiên tòa sơ thẩm xét xử 6 bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Ban quản lý Dự án đường sắt Việt Nam- RPMU về tội  “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo và tranh luận.
Sáu cựu quan chức đường sắt bị đề nghị phạt từ 6 - 13 năm tù

(SGGPO). - Chiều 26-10, phiên tòa sơ thẩm xét xử 6 bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Ban quản lý Dự án đường sắt Việt Nam- RPMU về tội  “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo và tranh luận.

Ngay sau khi HĐXX kết thúc thẩm vấn 6 bị cáo để làm rõ các hành vi phạm tội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo đó, bản luận tội khẳng định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thoả thuận ngoài hợp đồng của Phạm Hải Bằng cùng các đồng phạm trong vụ án với nhà thầu đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam, ảnh hưởng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay, sử dụng vốn ODA. Hành vi phạm tội của các bị cáo rất nghiêm trọng, làm đình trệ tiến độ của dự án, xâm phạm lợi ích quốc gia, làm xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, làm xấu quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.

Các bị cáo trước vành móng ngựa

Bản luận tội cũng khẳng định, nội dung của cáo trạng truy tố cáo bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đồng thời cũng chỉ rõ hành vi và mức độ phạm tội đối với từng bị cáo trong vụ án. Trong đó, Phạm Hải Bằng là đối tượng cầm đầu đã làm trái quy định được giao, đứng ra đàm phán nhằm hưởng lợi số tiền 11 tỷ đồng của Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC).

 Ngoài ra, với vai trò chính trong RPMU, bị cáo Bằng còn chỉ đạo Phạm Quang Duy và Nguyễn Nam Thái phạm tội.

Do đó, trong bản luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị hình phạt đối với các bị cáo: bị cáo Phạm Hải Bằng phải chịu mức án 11-13 năm tù và phải nộp lại hơn 3,6 tỉ đồng; bị cáo Nguyễn Nam Thái từ 10-12 năm tù giam, nộp hơn 2,8 tỉ đồng; bị cáo Trần Văn Lục từ 6-8 năm tù giam (đã nộp 100 triệu đồng sung công quỹ), bị cáo Trần Quốc Đông từ 7-9 năm tù giam và truy thu 30 triệu, bị cáo Nguyễn Văn Hiếu từ 7-9 năm tù giam, truy thu 50 triệu đồng và bị cáo Phạm Quang Duy từ 8-10 năm tù giam và phải nộp lại hơn 2,3 tỉ đồng. Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị kê biên tài sản của các bị cáo Bằng, Hiếu và Đông để bảo đảm việc thi hành án.


Trước đó, trong phần thẩm vấn, HĐXX đã tập trung xét hỏi bị cáo Phạm Hải Bằng cùng 5 đồng phạm để làm rõ việc nhận và sử dụng số tiền 11 tỉ đồng “lót tay” từ JTC. Trước vành móng ngựa, bị cáo Phạm Hải Bằng khai nhận không nhớ đã bao nhiều lần nhận tiền từ phía JTC mà chỉ nhớ tổng số tiền mà phía đối tác Nhật Bản đã chuyển cho là khoảng 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Bằng lại phủ nhận hoàn toàn việc bản thân mình đã đứng ra đàm phán và gợi ý với đối tác JTC về khoản tiền "lót tay" mà theo Bằng khoản tiền trên là do phía JTC tự động đề nghị và là khoản hỗ trợ cho Ban quản lý dự án đường sắt để triển khai thực hiện dự án như đã ký kết. “Số tiền này là trách nhiệm thực hiện các chương trình tư vấn nên phía đối tác đã chuyển sang phía Việt Nam để chi tiêu.."-  bị cáo Bằng bao biện.

 Bị cáo Bằng cũng cho rằng, do suy nghĩ đây là khoản tiền mà phía đối tác "đương nhiên" phải chi cho phía Ban quản lý dự án đường sắt nên việc chi tiêu không cần phải quyết toán đối với họ và đối tác cũng không yêu cầu quyết toán.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Nam Thái thừa nhận việc cáo trạng truy tố đúng người đúng tội nhưng lại đề nghị HĐXX xem xét từng hành vi và mức độ phạm tội. Đồng thời, bị cáo Thái cũng phủ nhận những lần nhận tiền từ phía JTC. “Một lần Bằng gọi xuống phòng chuyển tiền cho, bị cáo hiểu đấy là tiền Nhật Bản chuyển cho dự án” - bị cáo Thái khai. Về việc sử dụng số tiền, bị cáo Thái cho rằng, khi chi tiêu không đưa vào sổ sách vì nghĩ rằng đây là tiền giúp cho công việc của dự án được trôi chảy. Còn bị cáo Phạm Quang Duy thừa nhận đã 3 lần nhận tiền với số tiền 2,2 tỷ đồng nhưng bị cáo lại cho rằng việc nhận số tiền trên và thực hiện chi tiêu là theo chỉ đạo của cấp trên nên không sai phạm.

Đối với bị cáo Trần Văn Lục, trong cáo trạng cáo buộc đã nhận 100 triệu đồng nhưng trước tòa bị cáo Lục cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo chưa chính xác. Bởi theo bị cáo Lục, số tiền 100 triệu đồng mà Bằng đưa cho vào dịp Tết năm 2010 là tiền cảm ơn. Biện hộ cho việc nhận khoản tiền không hề nhỏ này, bị cáo Lục khai thời điểm nhận tiền của Bằng, bị cáo đã chuyển khỏi Ban Quản lý dự án được 5 tháng nên số tiền Bằng đưa cho có thể là trên phương diện tình cảm vì giữa bị cáo Bằng và Lục có 10 năm gắn bó với nhau. Đối với bị cáo Trần Quốc Đông, nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, trong vụ án này bản thân không lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và số tiền 30 triệu mà Bằng đưa cho chỉ là quà biếu bình thường theo phong tục vào dịp Tết. Cũng giống như nguyên Phó Tổng giám đốc Trần Quốc Đông, bị cáo Nguyễn Văn Hiếu cũng phủ nhận việc đã nhận 50 triệu đồng mà bị cáo Bằng gửi biếu vào dịp Tết Âm lịch năm 2014.

Phiên tòa sẽ tiếp tục phần tranh tụng, bào chữa của các luật sư cho các bị cáo trước khi kết thúc vào chiều 27-10.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục