Bình Phước được coi là thủ phủ điều của cả nước, nhưng do khí hậu biến đổi bất thường cùng sâu bệnh tấn công nên năng suất ngày càng giảm. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 800/134.234ha điều nhiễm bệnh, tập trung tại 2 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và rải rác ở các huyện còn lại. Hiện người dân đang loay hoay tìm cách cứu chữa và nhiều hộ cũng đã chặt bỏ để thay bằng cây trồng khác.
Bù Đăng là huyện có diện tích điều lớn nhất tỉnh và đang hứng chịu các đợt tấn công của sâu đục thân khiến nhiều diện tích điều khô héo rồi chết. Vườn điều 2ha của gia đình ông Triệu Văn Lâm (xã Đăng Hà) đã 15 năm tuổi cũng tan hoang. Mùa vụ vừa qua, do biến đổi khí hậu, dịch bệnh tàn phá nên năng suất giảm mạnh, mỗi hécta điều chỉ thu vài trăm ký. “Dịch bệnh cũ chưa dứt thì sâu đục thân ập tới nên dù tôi đã tìm đủ mọi cách để chữa bệnh nhưng vườn điều của gia đình vẫn bị phá hoại 1/3 tổng số cây và đang tiếp tục lan rộng. Do sâu đục từ trong thân nên khi phát hiện thì đã muộn, đành phải chặt làm củi rồi trồng cây mới phủ vào diện tích bị phá”, ông Triệu Văn Lâm than vãn.
Tại huyện Bù Gia Mập, sâu đục thân phá hoại cây điều cũng đang diễn biến phức tạp, nhiều diện tích điều bị xóa sổ. Trong đó, xã Phú Văn có khoảng 400 hộ gia đình tái canh cây điều với diện tích gần 500ha, mỗi cây điều mắc bệnh có tới 20 - 30 con sâu đục từ gốc tới ngọn, không thể cứu chữa. Mặc dù đã xịt nhiều loại thuốc nhưng không thể trị dứt điểm, khiến bà con như đang “ngồi trên đống lửa”. Vườn điều 4ha của gia đình ông Điểu Rít (ngụ xã Phú Văn) đang xanh tốt bỗng tàn lụi do lá cành khô cháy. Những cây bị sâu đục thân buộc phải chặt bỏ để trồng lại cây điều ghép, nhưng do vụ mùa trước liên tục thất thu nên chưa có đủ tiền để tái canh.
Ông Lê Đào Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Văn, lý giải: “Cây điều chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết xấu và các vườn điều ở đây đều là giống điều cũ, được trồng hơn 20 năm nên đã thoái hóa, dễ bị sâu bệnh tấn công, dẫn đến mất mùa”.
Để đối phó với sâu đục thân, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước khuyến cáo các hộ dân thực hiện tỉa cành, tạo tán 2 lần/năm để tạo thông thoáng cho vườn điều nhằm loại bỏ trứng, ấu trùng sâu non nằm bên trong. Các cành sau khi tỉa bỏ phải dọn khỏi vườn và đốt tiêu hủy, sử dụng thuốc hoặc quét vôi để phòng nấm bệnh... Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết, từ tháng 9-2017, sở đã cử cán bộ chuyên môn về các địa phương để hướng dẫn, tập huấn cách nhận dạng sâu bệnh cho bà con trồng điều. Việc phòng trừ sâu đục thân, đục cành phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ và tránh sự phát tán, di trú của sâu trưởng thành từ vườn này sang vườn khác mới đạt hiệu quả.