Để thỏa nỗi đam mê, khát khao mang âm nhạc dân tộc đến với nhiều khán giả, gia đình vợ chồng NSƯT Đinh Linh - Tuyết Mai đã thành lập Nhà hát dân tộc Trúc Mai và tại đây, âm nhạc dân tộc vang lên làm mê lòng nhiều đoàn du khách.
Không dừng ở đó, chị Tuyết Mai còn mong muốn có tầng lớp khán giả hiểu biết căn bản về âm nhạc dân tộc Việt Nam, hiểu rồi họ mới yêu thích tìm đến âm nhạc dân tộc. Vì thế chị quyết tâm mở lớp dạy âm nhạc dân tộc miễn phí. Nhiều người ở các độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp khác nhau đã tìm đến lớp học.
Nội dung khóa học trang bị cho học viên về lịch sử âm nhạc dân tộc, giúp người học phân biệt, gọi đúng tên các nhạc cụ, nắm được nhạc lý căn bản, tên nốt nhạc, phách, đập nhịp, dấu nối… Sau khóa học, mỗi học viên phải chơi được ít nhất một bài trên loại nhạc cụ mình yêu thích.
Sau phần học lý thuyết, các học viên chia ra 4 nhóm thực hành trên đàn bầu, đàn tranh, tam thập lục và đàn T’rưng. Bác Nguyễn Thành Công, ở Thủ Đức, tâm sự: “Tôi đi bộ đội vào Trường Sơn từ năm 1972, những năm sống ở chiến trường các bài ca, tiếng đàn, tiếng sáo của các nghệ sĩ Tô Lan Phương, Đinh Thìn… là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho chúng tôi. Nay có điều kiện học đàn nhạc dân tộc và sống lại một thời mà âm nhạc dân tộc giúp chúng tôi thêm tinh thần chiến đấu”.
Phương Quỳnh, sinh viên ĐH Công nghiệp, cho biết: “Em đã rủ em gái và 2 người bạn là sinh viên cùng đi học. Em rất thích nhạc dân tộc, học để kiến thức văn hóa được bổ sung”.
Nguyễn Lê Hoàng Trung, học sinh lớp 12 Trường Trưng Vương quận 1, nói: “Học cùng lớp có em gái Hoàng My nhỏ tuổi nhất lớp và ông ngoại là người cao tuổi nhất lớp. Bố mẹ của em cũng đi học nhưng phải chia ra học ca khác vào chủ nhật. Em nghĩ nhạc dân tộc mình rất độc đáo, mình là người Việt Nam phải biết âm nhạc của dân tộc mình, có điều kiện đi du học thì những ngày theo học này sẽ là vốn văn hóa của mình cho những dịp giao lưu với bạn bè quốc tế”.
AN DUNG