Sẽ chỉ là dĩ vãng?

Nhiều thập kỷ qua, Mỹ có vị trí rất quan trọng tại Mỹ Latinh một phần nhờ những thỏa thuận thương mại thường được biết đến với tên gọi “Sự đồng thuận Washington”. Đó là việc thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế dựa trên nền tảng “thương mại chứ không viện trợ” đối với khu vực Mỹ Latinh và ở nhiều khu vực khác.

Theo công thức “Sự đồng thuận Washington”, Mỹ cung cấp cho Mỹ Latinh các khoản vay với các điều kiện về tư nhân hóa, giảm bớt các quy định thương mại và một số điều chỉnh trong các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, 30 năm với “Sự đồng thuận Washington” là quãng thời gian khá khổ sở đối với Mỹ Latinh khi mức tăng trưởng chỉ dưới 1%/năm tính theo đầu người, thấp hơn nhiều so với mức 2,6% trong giai đoạn 1960-1981. Còn với Hiệp ước Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ và Mỹ Latinh, xuất khẩu của các nước trong khu vực sang Mỹ trên thực tế đã tăng 7 lần, nhưng tăng trưởng tính theo đầu người cũng như tình trạng cải thiện việc làm không sáng sủa hơn. Mexico có thêm khoảng 600.000 việc làm kể từ khi NAFTA có hiệu lực, nhưng quốc gia này lại mất 2 triệu việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp khi mà hàng hóa, ngũ cốc nhập khẩu giá rẻ tràn ngập vào thị trường trong nước.

Chính vì sự bết bát trên, kể từ đầu những năm 2000, người dân Mỹ Latinh đã không còn bỏ phiếu cho những người ủng hộ mô hình can dự của Mỹ. Các nhà lãnh đạo của Venezuela, Bolivia… đã quốc hữu hóa nhiều ngành công nghiệp, tập đoàn từng thuộc quyền sở hữu của Mỹ, khiến Washington thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế bắt đầu đi lên nhờ nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang các nước khác tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Trước làn sóng bài Mỹ tại Mỹ Latinh, chỉ còn lại 2 thành viên bám trụ với Washington là Mexico và Colombia. Tuy nhiên, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos mới đây đã gây sốc cho Mỹ khi tuyên bố, Colombia đang tiến hành đàm phán với Trung Quốc về kế hoạch xây dựng “kênh đào cạn” trị giá hàng tỷ USD có thể cạnh tranh với kênh đào Panama.

Theo chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Viện Môi trường và Phát triển toàn cầu (GDEI), Giáo sư Kevin Gallagher, Mỹ luôn đặt ra những điều kiện khi làm ăn và điều này khiến các đối tác cảm thấy không thoải mái. Khi đó, hiển nhiên họ sẽ quay sang những nơi cho vay vốn kèm điều kiện dễ chịu hơn, ví như Trung Quốc. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu mỏ, quặng sắt thép, ural, đồng cùng các thị trường đầy tiềm năng có tốc độ phát triển ổn định như Brazil, Mỹ Latinh đã và đang trở thành những điểm đến đầy hấp dẫn với Nga, các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác.

Có thể nói, vị thế của Mỹ tại Mỹ Latinh đang lung lay hơn bao giờ hết. Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố Mỹ không thể đánh mất khu vực chiến lược này, nhưng xem ra sức hút từ thỏi nam châm Washington đã giảm rất nhiều do suy giảm kinh tế, giảm uy tín trên chính trường vì lúng túng ở Afghanistan và Iraq. Sự phân tâm của Mỹ chính là cơ hội để các quốc gia thâm nhập “miếng ngon” Mỹ Latinh. Nhưng quan trọng hơn hết, mô hình kinh tế mà Mỹ “xuất khẩu” sang Mỹ Latinh đã không còn hiệu quả. Khái niệm “Mỹ Latinh - sân sau của Washington” có lẽ sẽ trở thành dĩ vãng

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục