Sẻ chia sự sống

“Từ năm 2013 tôi đã đăng ký hiến tặng tất cả mô, tạng sau khi chết, chết não. Gia đình cũng rất ủng hộ việc làm của tôi. Tôi nghĩ đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người. Cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục nhịp đập trong lồng ngực của một ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất khi tôi còn sống cũng như lúc không may qua đời...”.
Sẻ chia sự sống

“Từ năm 2013 tôi đã đăng ký hiến tặng tất cả mô, tạng sau khi chết, chết não. Gia đình cũng rất ủng hộ việc làm của tôi. Tôi nghĩ đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người. Cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục nhịp đập trong lồng ngực của một ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất khi tôi còn sống cũng như lúc không may qua đời...”.

Nghĩa cử cao đẹp

Trên đây là những lời tâm sự rất chân thành của PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế khi bà trở thành thành viên đầu tiên trong Chính phủ đăng ký hiến tặng mô, tạng khi qua đời, nhằm góp phần cứu giúp những người bệnh không may mắc những căn bệnh nan y mà chỉ giải pháp ghép tạng mới có thể giúp thoát khỏi tử thần.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chúc mừng 2 bệnh nhân may mắn được ghép tim và gan từ nguồn tạng hiến tặng của người chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Qua 20 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, ngành ghép tạng Việt Nam đã đạt những bước tiến dài, có trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn kỹ thuật tương đương khu vực. Từ chỗ chỉ có Bệnh viện Quân y 103, đến nay cả nước đã có tới 15 bệnh viện thực hiện được kỹ thuật ghép tạng; từ ghép thận, ghép giác mạc tới các ca ghép phức tạp hơn như: ghép tim, gan, tủy, mô. Đặc biệt, nhờ tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của những người khi giã từ cõi đời đã không ngần ngại hiến một phần cơ thể mình đã cứu người và giúp ngành y học nước nhà tiến bộ.

Th.S Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và cũng là một trong số những người đã đăng ký hiến tạng khi qua đời, cho biết sau hơn 2 năm trung tâm hoạt động, đến nay cả nước đã có trên 1.000 đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết não. Trong số những đăng ký hiến tạng có cả nông dân, công nhân, sinh viên…, ai cũng luôn sẵn sàng và vô cùng thoải mái trước hành động mà không ít người hiện nay vẫn còn e ngại và nặng nề tư tưởng “chết phải toàn thây”. Tâm sự với chúng tôi, bác Dung (65 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội), một trong số không nhiều những người đã đăng ký hiến tạng, chân tình nói: “Nhiều người cứ nghĩ chết là hết tất cả, nhưng để cái chết của mình trở nên ý nghĩa, làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thì hãy hiến cơ thể của mình khi qua đời cho y học, để từ đó mang lại hạnh phúc cho người bất hạnh khác”.

Những cuộc tái sinh kỳ diệu

Tính đến nay, cả nước mới có khoảng 1.200 người được ghép thận, 48 người ghép gan, 13 người ghép tim, 1 người ghép đồng thời thận - tụy và khoảng 1.400 người được ghép giác mạc. Mới đây, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tặng hoa chúc mừng 2 bệnh nhân sau ca ghép tim và gan thành công từ nguồn tạng hiến tặng của người chết từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chuyển ra.

Dạt dào xúc động sau khi được ghép gan thành công từ nguồn tạng do một bệnh nhân chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiến tặng y học, anh Trần Ngọc Hải, bị ung thư gan và chỉ có cách ghép gan mới có thể duy trì sự sống, chia sẻ: “Tôi vô cùng cảm ơn người tình nguyện đã hiến tạng cho mình. Tôi rất tự hào về trình độ ghép tạng ở Việt Nam”. Trong khi đó, cũng từ nguồn tạng của bệnh nhân chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy hiến tặng, anh Nguyễn Văn Hải, người được ghép tim thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, xúc động: “Thật may mắn và kỳ diệu, tôi thật sự được tái sinh bởi các bác sĩ và của người hiến tạng. Gia đình tôi đặc biệt cảm ơn người đã hiến tặng, mỗi khi nghĩ đến tôi lại rơi nước mắt”. Trước khi được ghép tim, anh Nguyễn Văn Hải mắc bệnh cơ tim giãn, đã được đặt máy tạo nhịp hai buồng dưới da và điều trị suy tim nhiều đợt nhưng bệnh vẫn rất nặng và được chỉ định ghép tim.

Hiện nay số người bệnh cần ghép tạng để hồi sinh cuộc sống rất lớn, cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc đang chờ đợi, mong mỏi hàng ngày, hàng giờ có người hiến tặng mô, tạng để được ghép…

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục