
Công trường Nhà máy Thủy điện Sê San 3 (huyện Chư’Păh, tỉnh Gia Lai) những ngày đầu năm mới rực rỡ cờ, hoa. Nơi đây đang bước vào đợt thi đua hoàn thành và phát điện tổ máy 1. Cái lạnh đến tê người của Tây Nguyên đã không làm giảm đi khí thế làm việc của hơn 1.800 kỹ sư, công nhân trên công trường.

Những kỹ sư trẻ của Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà trên công trường Nhà máy Thủy điện Sê san 3. Ảnh: H.N.
Giữa đại ngàn trùng điệp, con sông Sê San như một dải lụa vàng óng ả trải dài trên nền xanh thẳm của núi rừng Tây Nguyên. Anh Lợi, cán bộ kỹ thuật Ban điều hành dự án của Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà nói: “Sông Sê San là một công trường lớn với 6 nhà máy thủy điện đang được xây dựng, trong đó có thủy điện IaLy lớn nhất miền Trung và Tây Nguyên đã đưa vào vận hành cách nay hơn 3 năm. Năm 2006, sau Sê San 3 phát điện, tiếp theo sẽ là Sê San 3 A, Sê San 4…, biến dòng sông hung hãn kia thành một nguồn năng lượng khổng lồ thắp sáng Tây Nguyên”.
Có mặt tại vị trí đập chính ở cao trình 309,5m, phóng tầm mắt ra xa mới thấy sự hùng vĩ của dòng Sê San huyền thoại. Kỹ sư Đỗ Tiến Trung giới thiệu: “Đập chính và đập tràn đã cơ bản hoàn thành, đến ngày 16-1 đã có thể đóng nút cống dẫn dòng để tích nước cho nhà máy. Đập chính và đập tràn có khối lượng gần 600 triệu m3 thi công theo công nghệ bê tông lạnh lần đầu tiên có ở Đông Nam Á.
Toàn bộ các phần việc từ thiết kế, lắp đặt thiết bị đến thi công đều do đội ngũ kỹ sư, công nhân của Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà thực hiện. Có thể nói Sê San 3 là công trình mang trí tuệ Việt Nam bởi nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là phương thức đầu tư xây dựng nhà máy lần đầu tiên được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà áp dụng theo kiểu “chìa khóa trao tay” và hơn 60% thiết bị do ngành cơ khí Việt Nam chế tạo.
Thứ hai, về tiến độ thi công, chưa có công trình thủy điện lớn nào cỡ như thủy điện Sê San 3 lại có thời gian thi công chỉ hơn 3 năm – vượt tiến độ theo yêu cầu đến gần 1 năm”.
Để kịp tiến độ vận hành tổ máy 1, các đơn vị đã đăng ký làm việc 3 ca/ngày và sẽ ăn Tết ngay trên công trường. Phó Giám đốc Công ty CP Sông Đà 19 Võ Kim Sơn khẳng định: Yêu cầu phát điện tổ máy 1 vào cuối tháng 3 - 2006 và dòng điện Sê San 3 phải được hòa vào lưới điện quốc gia trong mùa khô 2006 đã trở thành mệnh lệnh của mỗi cán bộ, công nhân trên công trường.
Bắt nguồn từ đất bạn Lào, sông Sê San chảy vào Việt Nam đi qua 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Theo quy hoạch của ngành điện, đến năm 2010, sông Sê San sẽ có 6 nhà máy thủy điện với tổng công suất hơn 2.000 MW. Khi 6 nhà máy thủy điện này chính thức phát điện, có thể gọi Sê San là dòng sông ánh sáng.
Để đạt được mục tiêu này, Giám đốc điều hành dự án thủy điện Sê San 3 của Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà Trịnh Văn Minh cho biết: Lượng vốn đầu tư vào các nhà máy thủy điện trên sông Sê San hiện đã đạt trên 100.000 tỷ đồng. Trong những năm qua, sự đầu tư này đã góp phần rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế các tỉnh Tây Nguyên sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đời sống và sinh hoạt của người dân các buôn làng đã đổi thay và đi lên thấy rõ.
PHẠM HOÀI NAM