Chiến thắng của ông Joe Biden, ứng cử viên của đảng Dân chủ, sẽ chấm dứt sự hỗn loạn về nhân sự, những cuộc tấn công liên tục vào sự thật, khoa học, thực tế và bằng chứng trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc gia. Nó sẽ chứng kiến sự trở lại của một nguyên thủ quốc gia truyền thống hơn, người đang thề đoàn kết đất nước, tạo ra một tinh thần mới tràn trề hy vọng và khôi phục lòng trắc ẩn ở Nhà Trắng.
Trong quá trình tranh cử, ông Biden đã thể hiện mong muốn mãnh liệt là đưa nước Mỹ quay trở lại với cách tiếp cận chính sách đối ngoại truyền thống trước đây, nên kịch bản “Nước Mỹ can dự” sẽ xảy ra. Chính quyền do ông Biden lãnh đạo sẽ cứu vãn trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu và sẽ đưa ra hành động về vấn đề biến đổi khí hậu, Covid-19, nhập cư và chủ nghĩa đa phương. Và, ông Biden sẽ cần phân xử các cuộc tranh luận nội bộ về Trung Quốc, Trung Đông, toàn cầu hóa và chính sách kinh tế đối ngoại.
Tuy nhiên, dù kịch bản nào trở thành hiện thực thì Mỹ vẫn sẽ quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm thúc đẩy các giá trị chung, cam kết đa phương, và một cách tiếp cận chung khi đối phó với Nga và Trung Quốc.
Một chính quyền dưới quyền ông Biden sẽ cởi mở với những ý tưởng mới nhằm tăng cường hợp tác phòng thủ và công nghệ với châu Âu và các nền dân chủ hàng đầu ở những nơi khác. Nước Mỹ, dưới thời chính quyền ông Biden, và các đối tác sẽ làm việc với nhau để thiết lập một khuôn khổ thương mại mới mà có thể bao gồm các yếu tố của Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương, nhưng cũng đưa ra các các biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ người lao động và môi trường.
Tân Tổng thống Joe Biden sẽ đưa Mỹ trở lại chính sách đối ngoại quen thuộc và dễ đoán hơn so với thời ông Donald Trump. Ông Joe Biden có thể sẽ tái cam kết với chủ nghĩa đa phương, đảo ngược các quyết định rút khỏi nhiều tổ chức thế giới, Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu...
Ông Biden cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng quay trở lại Hiệp định hạt nhân Iran nếu Tehran tiến hành các bước đi để thể hiện cam kết với thỏa thuận P5+1 được ký kết dưới thời chính quyền Obama - Biden. Ông có thể tái đầu tư vào chính sách ngoại giao Mỹ, kiểm soát các vấn đề liên minh tốt hơn và theo đuổi các lệnh trừng phạt có mục tiêu hơn; có thể hạn chế nguy cơ “tách rời” đối với các chuỗi cung ứng quan trọng và tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Bắc Kinh, trong khi hứa hẹn gỡ bỏ trừng phạt tùy thuộc vào sự cải thiện tình hình thị trường và nhân quyền tại Trung Quốc.
Mặc dù trước đây cả ông Trump và ông Biden đều cố gắng thể hiện quyết tâm và sự cứng rắn trong việc đối phó với thách thức từ Trung Quốc, song cả hai ứng cử viên lại có các quan điểm khác nhau về cách thức thực hiện tốt nhất. Chính quyền ông Trump đã “nâng tầm” Trung Quốc thành thách thức chính của Mỹ, đưa cuộc cạnh tranh nước lớn thành nguyên tắc tổ chức căn bản của chính sách an ninh và đối ngoại Mỹ.
Trong quan điểm của mình, ông Biden không đặt Trung Quốc vào cùng vị trí như lập trường của ông Trump, mặc dù vấn đề Trung Quốc chắc chắn cũng bao trùm chương trình nghị sự sau này. Trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Biden có thể khiến thách thức với Bắc Kinh trở nên căn bản hơn. Tuy nhiên, thay vì để Mỹ thực hiện một mình, ông Biden sẽ mở rộng liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Trong 4 năm qua, các chính sách của Tổng thống Donald Trump đã dồn mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Mỹ vào chân tường, làm gia tăng sự ngờ vực giữa hai bên. Nay cũng là lúc hàn gắn quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Cho đến nay, mặc dù chưa quốc gia nào trên thế giới theo kịp lợi thế quân sự và “quyền lực mềm” của Mỹ, nhưng Mỹ cũng không thể chỉ dựa vào hai sức mạnh này. Khát vọng ngày càng tăng của các đối thủ và cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển nhằm vạch ra con đường phát triển của riêng họ sẽ thử thách nhiệm vụ của Mỹ trong việc duy trì vị thế lãnh đạo trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Và đó cũng đang là thách thức của Tổng thống mới đắc cử Joe Biden.