Sẽ xóa hết cầu khỉ tại ĐBSCL vào năm 2015

Sẽ xóa hết cầu khỉ tại ĐBSCL vào năm 2015

Theo “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài mục tiêu xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, các tỉnh, thành trong vùng tiếp tục phát triển giao thông nông thôn, phấn đấu đến năm 2015 đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, các xã cù lao chưa xây dựng được cầu đường bộ phải có bến phà; 100% đường huyện và tối thiểu 70% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa; xóa bỏ hết cầu khỉ.

Thi công cầu treo xóa cầu khỉ ở xã Thành An (Mỏ Cày, Bến Tre). Ảnh: Thanh Quang

Thi công cầu treo xóa cầu khỉ ở xã Thành An (Mỏ Cày, Bến Tre). Ảnh: Thanh Quang

Nhiều năm trở lại đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa việc xây cầu nông thôn, các tỉnh thành trong khu vực đã xóa trên 4.000 cây cầu khỉ, xây dựng mới trên 11.000 cây cầu khác. Tiêu biểu của phong trào này là các tỉnh Bến Tre, An Giang, Cà Mau… Trong đó từ năm 2000 đến nay, tỉnh Bến Tre đã huy động sức dân xây trên 2.600 cây cầu, tổng chiều dài hơn 49.000m, kinh phí xây cầu và đường giao thông nông thôn lên đến trên 1.300 tỷ đồng. Tại An Giang, từ năm 2006 đến nay, chính quyền và người dân các huyện, thị đã đóng góp xây dựng gần 500 cây cầu kiên cố. Trong 2 năm 2009 – 2010, Cà Mau đã triển khai đề án “Nhịp cầu mơ ước” xây dựng 1.588 cây cầu nông thôn với kinh phí trên 350 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Với mạng lưới sông rạch chằng chịt, việc xóa cầu khỉ, xây cầu kiên cố nhằm phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nông thôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của các địa phương trong vùng.

Lê Phương

Tin cùng chuyên mục