Đây đã là lần thứ 30 SEA Games được tổ chức, biến sự kiện này của khu vực Đông Nam Á trở thành một trong những đại hội thể thao được tổ chức nhiều lần nhất. Chi tiết này phần nào đó khẳng định sự cần thiết và những giá trị mang tính truyền thống, văn hóa của SEA Games. Hay nói cách khác, SEA Games không đơn thuần chỉ là một cuộc thi thố, tranh đua về chuyên môn mà còn là sợi dây vô hình gắn kết cộng đồng ASEAN, là nền tảng để thúc đẩy nền thể thao chung của khu vực. Nếu SEA Games không được duy trì lâu bền, thì khó có việc 4 quốc gia Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam từng cùng nhau đăng cai Asian Cup 2007, hay mới nhất là ý tưởng ASEAN sẽ hợp tác xin quyền đăng cai World Cup. Và biết đâu, sau đó sẽ là một kỳ Thế vận hội được tổ chức trên nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Trên thực tế, nước chủ nhà Philippines đã dự chi tổng ngân sách khoản 7,5 tỷ peso, tức gần 150 triệu USD cho SEA Games 30. 80% nguồn tiền ấy là ngân sách do Quốc hội phê duyệt. Đây là một con số khổng lồ dành cho sự kiện chỉ tầm cỡ khu vực, hơn nữa lần gần nhất mà Philippines tổ chức SEA Games chỉ mới 2005. Một phần không nhỏ ngân sách ấy dùng để xây dựng khu thi đấu New Calrk City, bao gồm công trình kiến trúc đài lửa độc đáo trị giá gần 1 triệu USD. Theo giới chức thể thao Philippines, nhà thi đấu này là lần đầu tiên mà Philippines có cơ sở đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới, và sẽ là nơi tập luyện cho các VĐV tham dự Olympic 2020. Trước đó, vào năm 2014, Philippines cũng đã khánh thành Cung thể thao có sức chứa lớn nhất thế giới Philippines Arena với hơn 50.000 chỗ ngồi.
Chi phí xây dựng cao, cùng với việc tổ chức số lượng môn thi đấu kỷ lục, đã khiến ngân sách tiếp thị và quảng bá hình ảnh không còn nhiều. Đây chính là lý do khiến SEA Games 30 không giữ được bầu không khí hội hè như trước. Nhưng ở thời đại công nghệ số hiện nay, thành công của việc quảng bá sự kiện còn tùy vào mạng xã hội và mức độ quan tâm của công chúng, thế nên cũng chưa thể khẳng định sức hút của SEA Games đã không còn.
Ở góc nhìn khác, dù đăng cai SEA Games không còn mang đến các lợi ích về kinh tế, hình ảnh như trước nhưng với nhiều quốc gia tại Đông Nam Á, đại hội khu vực này lại là động lực để thể thao quốc gia phát triển. Năm 2011, Indonesia đăng cai SEA Games cũng với một khoản ngân sách khổng lồ để xây dựng mới mọi thứ tại thành phố Palembang. Nhưng chính nhờ hệ thống cơ sở vật chất ấy mà sau khi Việt Nam rút lui, Indonesia đã nhanh chóng đăng cai Asiad 2018 cũng như quyết liệt giành được quyền tổ chức U20 World Cup 2021. Với các sự kiện mang tầm vóc châu lục và thế giới ấy, những giá trị kinh tế sẽ rõ ràng hơn, chưa nói đến vị thế của Indonesia trong mắt bạn bè thế giới.
Từ một sự kiện mang theo nhiều ý nghĩa khác nhau, SEA Games ngày càng chuyên biệt hơn về thể thao, nên màu sắc lễ hội có phần phai nhạt cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù vậy, SEA Games vẫn còn những bất cập của nó, khiến tầm vóc của đại hội không như kỳ vọng. Ví dụ như việc tổ chức quá nhiều môn thi đấu với mục đích tận dụng cơ sở vật chất sẽ làm loãng tính chuyên nghiệp, tăng chất phong trào và tốn kém không cần thiết. Những đại hội gần đây, số lượng môn cứ tăng dần dù Hội đồng thể thao Đông Nam Á từng thống nhất sẽ rút gọn. Trong một thời gian ngắn mà có nhiều môn thi đấu thì khó có thể thu hút hay quảng bá đến người hâm mộ. Sự đa dạng các môn thể thao là một đặc tính văn hóa riêng của SEA Games nhưng cũng là yếu tố làm hạn chế sự phát triển của các môn Olympic. Mỗi nước chủ nhà có những quy định khác nhau về số lượng nội dung thi đấu khiến giữa những kỳ SEA Games có độ vênh nhất định trong công tác chuẩn bị lực lượng. Điều này cũng làm bảng xếp hạng toàn đoàn không còn nhiều ý nghĩa và giảm đi tính cạnh tranh của thể thao khu vực.
Có vẻ như các nhà làm thể thao Đông Nam Á vẫn chưa có sự đồng thuận trong việc xác định SEA Games là một đại hội thể thao thuần túy hay là một sự kiện chung có tính biểu tượng của ASEAN. Làm sao để SEA Games vẫn là một ngày hội thi tài giữa những VĐV giỏi nhất khu vực để qua đó giúp thể thao Đông Nam Á lớn mạnh, đó vẫn còn là bài toán vẫn chưa có đáp án cuối cùng.