SG8V1 vào sản phẩm ngành điện lực

Trong Chương trình Vi mạch TPHCM, việc đưa chíp Việt SG8V1 vào các sản phẩm công nghệ thiết yếu phục vụ đời sống là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đóng vai trò then chốt của sản phẩm vi mạch.
SG8V1 vào sản phẩm ngành điện lực

Trong Chương trình Vi mạch TPHCM, việc đưa chíp Việt SG8V1 vào các sản phẩm công nghệ thiết yếu phục vụ đời sống là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đóng vai trò then chốt của sản phẩm vi mạch.

 3.000 thiết bị (DCM - Data Concentration Modem) sử dụng trong các ứng dụng thu thập dữ liệu từ xa nói chung, dữ liệu thu thập qua giao tiếp RS232/RS485 và truyền về trung tâm qua GSM/GPRS đã được Tổng công ty Điện lực TPHCM lắp đặt vào hệ thống từ ngày 1-11, tiếp tục khẳng định sức sống của sản phẩm vi mạch trong nước.

Tiên phong trong ứng dụng

Với 3.000 bộ thiết bị thu thập dữ liệu từ xa (DCM) được lắp đặt ở các trung tâm khách hàng lớn cho thấy Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã thể hiện rõ quyết tâm ứng dụng sản phẩm công nghệ Việt DCM, cũng là sự ủng hộ mạnh mẽ với Chương trình Vi mạch TPHCM, đặc biệt trong chiến lược thương mại hóa sản phẩm vi mạch Việt.

DCM sử dụng chip vi điều khiển SG8V1 với nhiều tính năng nổi bật như tự động phát hiện loại điện kế khi kết nối, tự động chuyển đổi giữa hai giao thức truyền dữ liệu RS232 ßà RS485, hỗ trợ cáp giao tiếp và giao tiếp được với nhiều chủng loại điện kế của nhiều hãng: Elster, Genius, Landis+Gyr, Shenzhen; có Port I/O mở rộng, cho phép kết nối với các cảm biến ngoài (Input) và gửi dữ liệu điều khiển, cảnh báo từ trung tâm xuống thiết bị ngoài giao tiếp qua cổng I/O này (Output); có thể cảnh báo khi mất điện hoàn toàn, mất điện 1 pha bất kỳ, mất kết nối với điện kế, có Battery phục vụ cho backup dữ liệu và cảnh báo sự cố tức thời ngay cả khi mất nguồn điện.

Thiết bị DCM sử dụng chip vi điều khiển SG8V1 tiết kiệm hàng tỷ đồng khi được lắp đặt.

Đặc biệt, DCM có khả năng mã hóa dữ liệu theo tiêu chuẩn AES-128 khi truyền nhận dữ liệu với trung tâm, đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin; có khả năng cập nhật firmware từ xa khi protocol thay đổi hay điện kế thay đổi, bổ sung loại điện kế mới, thay đổi thiết lập giao tiếp phần cứng… Cần nói thêm, với các tính năng vượt trội nói trên, sản phẩm vi mạch Việt DCM đã vượt qua các đơn vị khác để thắng gói thầu cung cấp 3.000 modem phục vụ cho thuê dịch vụ thu thập dữ liệu điện kế từ xa cho Tổng công ty Điện lực TPHCM với giá 95.000 đồng/điểm đo/tháng. Theo tính toán, chi phí trên giảm hơn 30% so với giá cũ, tiết kiệm hơn 1,8 tỷ đồng/năm.

Song đó chỉ là lợi ích trước mắt vì không chỉ tiết kiệm chi phí mà Tổng Công ty Điện lực TPHCM cũng từng bước kiểm soát, giám sát được dữ liệu “tận gốc” do DCM là thiết bị của chính Việt Nam thiết kế, chế tạo. Tức mức độ an toàn của dữ liệu cao hơn nhiều lần nếu dùng thiết bị khác… Đây là giá trị của việc ứng dụng công nghệ Việt.

Triển vọng lớn với SG8V1

Chíp SG8V1 có thể sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện, điện tử với tính năng kỹ thuật, hiệu năng bằng hoặc cao hơn nhưng giá thành rẻ hơn chip nhập ngoại cùng loại. Mặt khác, SG8V1 là chip đa dụng, hỗ trợ bộ nhớ chương trình và bộ nhớ dữ liệu lớn, tốc độ xử lý nhanh, tập lệnh dễ sử dụng và các ngoại vi cần thiết đều được tích hợp sẵn trên chip nên khả năng ứng dụng và tùy biến cao, không giới hạn ở bất kỳ lĩnh vực nào. Đặc biệt, nó có khả năng tùy biến và tích hợp các công nghệ bảo mật phục vụ an ninh quốc phòng, bảo mật thông tin… Chính vì thế với Chương trình Vi mạch TPHCM và trong đó có chương trình thương mại hóa sản phẩm vi mạch với hướng phục vụ ngànhh điện lực tại TPHCM thì chíp SG8V1 sẽ làm được “nhiều việc” hơn nữa.

Sử dụng chíp SG8V1 trong thiết bị DCM là một triển vọng lớn, có lợi rõ ràng về mặt kinh tế. Giá cho thuê dịch vụ công bố 95.000 đồng/điểm đo/tháng. Giá này thấp hơn 52.000 đồng/điểm đo/tháng so với đơn giá EVN thuê từ các đơn vị khác. Tính riêng TPHCM dự kiến đến năm 2015 sẽ trang bị 40.000 điểm đo, trung bình mỗi năm sẽ tiết kiệm được cho ngân sách gần 25 tỷ đồng. Tính trung bình cả nước đến năm 2015 dự kiến trang bị 100.000 điểm đo, mỗi năm sẽ tiết kiệm được cho ngân sách hơn 62 tỷ đồng. Mặt khác, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã vượt qua “thói quen” dùng sản phẩm ngoại nhập để từng bước ứng dụng sản phẩm vi mạch Việt là điều mà các đơn vị khác cần nghiên cứu, ủng hộ.

Kế đó, với chíp SG8V1, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) cũng cho ra đời hàng loạt sản phẩm thiết yếu của ngành điện, như SEM1- MD, điện kế điện tử 1 pha hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, được tích hợp 4 module truyền thông (RF, GSM, Zigbee, PLC) phục vụ đo đếm từ xa; SEM3-MC, điện kế điện tử 1 pha trực tiếp và gián tiếp; iHHC- thiết bị đọc dữ liệu điện kế cầm tay sử dụng sóng RF (đã hoàn thành thiết kế, chuẩn bị đưa vào sản xuất và thử nghiệm)… là những sản phẩm thiết yếu của ngành điện.

Rõ ràng, với chíp SG8V1 thì chỉ riêng ngành điện lực đã là một “thị trường” đầy tiềm năng. Đây là cách mà TPHCM khẳng định giá trị của ngành vi mạch đang xây dựng.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục