Hãng phim tư nhân nở rộ - Mừng hay lo?

Bài 2: Phim giải trí đang tăng tốc

Bài 2: Phim giải trí đang tăng tốc
  • Giành lại thị phần cho phim Việt Nam ngay trên “sân nhà”

Giám đốc Hãng Phước Sang kể rằng, kinh phí và mọi bước chuẩn bị để sản xuất phim đã xong từ lâu nhưng Hãng không dám mạnh dạn sản xuất vì hệ thống rạp chiếu phim quá thiếu lại hoạt động kém, đồng nghĩa với nhu cầu xem phim của khán giả tại rạp còn thấp trong khi video gia đình và phim nhập đang chiếm thế thượng phong. Chỉ đến khi thành công bất ngờ về doanh thu phim Gái nhảy rồi Lọ lem hè phố, các hãng phim tư nhân như Thiên Ngân, Phước Sang và sau đó là Phim Việt, Kỳ Đồng mới gần như đồng loạt vào cuộc. Tuy không phải là người tiên phong nhưng đến thời điểm này các nhà làm phim tư nhân đã thể hiện được chiến lược “đường trường” của họ trong cuộc chiến giành thị phần cho phim Việt Nam trên “sân nhà”.

Bài 2: Phim giải trí đang tăng tốc ảnh 1

Các D.V trong phim Những cô gái chân dài.

Các hãng phim tư nhân có lợi thế từ việc chủ động kinh phí, huy động vốn từ trong và ngoài nước nên có những điều kiện làm việc rất ưu đãi, chẳng hạn trong hợp đồng ký với Hãng Thiên Ngân khi làm phim Những cô gái chân dài, đạo diễn và diễn viên chính ngoài cát sê còn được hưởng phần trăm lợi nhuận sau khi phát hành. Với kịch bản Nữ tướng cướp, đạo diễn Lê Hoàng nhận cát sê 150 triệu đồng, cao gấp 10 lần làm phim cho nhà nước hoặc nhạc sĩ Đức Trí lần đầu làm nhạc phim Nữ tướng cướp cũng được trả 100 triệu đồng.

Đó là một trong những lý do khiến các hãng phim tư nhân thu hút được đội ngũ người làm phim giỏi và chuyên nghiệp từ chính các hãng phim nhà nước. Mặt khác, các hãng phim tư nhân còn hơn hẳn các hãng phim nhà nước ở khả năng nắm bắt tâm lý khán giả trong những đề tài mới lạ và những thể loại phim khác nhau.

Với chủ trương “người trẻ làm phim cho giới trẻ sẽ dễ dàng tiếp cận hơn”, Hãng phim Thiên Ngân đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đi sâu vào khai thác hậu trường của giới người mẫu trong bộ phim Những cô gái chân dài, hội tụ hầu hết top model trong làng thời trang thành phố Hồ Chí Minh. Tung ra vào dịp hè 2004 ngay mùa bóng đá Euro nhưng Những cô gái chân dài vẫn “dụ” được khán giả đến rạp xem phim, đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng và sau đó phát hành DVD đắt như tôm tươi. Kết quả đó đã khích lệ Thiên Ngân làm tiếp bộ phim thứ 2 Nữ tướng cướp với kinh phí 2 tỷ đồng, vẫn thể loại phim tâm lý tình cảm hài...

Hãng Phước Sang cũng chọn thể loại phim tình cảm hài Khi đàn ông có bầu với sự tham gia của một dàn diễn viên ngôi sao trong các lĩnh vực sân khấu, ca nhạc, điện ảnh. Chưa hết, phim còn thiết kế một số đạo cụ rất đặc biệt mà chưa một phim Việt Nam nào lưu tâm. Tung ra vào dịp Tết Ất Dậu vừa rồi, Khi đàn ông có bầu đã thu về hơn 14 tỷ đồng và hiện nay vẫn còn chiếu ở một số rạp trong cả nước... Tuy là phim giải trí nhưng đều có cách thể hiện mới lạ, nội dung tốt, mang đến cho người xem sự thư giãn, tiếng cười sảng khoái và sau đó là một chút ngẫm nghĩ, đó là lý do phim tư nhân “qua mặt” phim do hãng phim nhà nước sản xuất và “đánh bại” phim ngoại nhập trong mùa phim Tết vừa qua.

  • Bùng nổ các dự án

Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, với sự tham gia của hãng phim tư nhân, điện ảnh Việt Nam bước đầu có sự thay đổi về đề tài và cách thể hiện mới mẻ cũng như đa dạng hơn về thể loại phim, tạo “thực đơn” phong phú cho người xem và tiến tới giảm bớt thị phần của phim ngoại nhập trên hệ thống rạp chiếu. Còn rất nhiều dự án làm phim khác cho thấy nội lực sản xuất phim của tư nhân là rất lớn.

Sự tham gia ngày càng mạnh của tư nhân vào lĩnh vực sản xuất phim đã khiến các nhà sản xuất phim nhà nước phải đặt mình vào thế cạnh tranh, nếu không muốn bị... xóa sổ. Bài học đầu tiên cho các nhà làm phim nhà nước là công tác quảng cáo và tiếp thị rất bài bản, chuyên nghiệp. Ngay khi kịch bản phim đang hoàn chỉnh, các hãng tư nhân đã có những chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lần đầu tiên ở Việt Nam có những trang web riêng để quảng cáo và tiếp thị phim như Nhungcogaichandai.com; Khidanongcobau.com, 39doyeu.com... - điều mà điện ảnh nước ngoài đã làm từ lâu và rất hiệu quả. Ngoài ra còn có cuộc thi làm poster cho phim hay các đoạn phim quảng cáo hoàn chỉnh hoặc tổ chức bán đấu giá đạo cụ trong phim. Chi phí cho quảng cáo của các hãng phim tư nhân có khi lên tới vài trăm triệu đồng cho một phim.

Khi hệ thống rạp chiếu phim ở các tỉnh, thành được phục hồi, nâng cấp và xây mới nhiều hơn chắc chắn số phim do các hãng phim Việt Nam sẽ không dừng lại ở số 5-10 phim/năm nữa. Cuộc chiến giành rạp vào dịp tết Ất Dậu vừa rồi đã trở thành giọt nước tràn ly khiến các hãng phim tư nhân quyết định đầu tư vào chiến lược lâu dài: xây rạp chiếu phim.

XUÂN HƯỚNG

Năm 2005 này sẽ là năm bùng nổ của dòng phim giải trí với những dự án làm phim lớn, đề tài và thể loại phong phú, đa dạng hơn... Hãng phim Phước Sang sắp xong phần quay bộ phim Áo lụa Hà Đông, kinh phí cả triệu đô la kết hợp cả 2 khuynh hướng phim nghệ thuật và giải trí. Bấm máy vào giữa tháng 6, phim Đẻ mướn cũng của Hãng Phước Sang với sự tham gia của hoa hậu Hà Kiều Anh, ca sĩ Đan Trường; Khi chuông reo sẽ bắn của Hãng Thiên Ngân khai thác chuyện tung hình sex lên mạng khởi quay vào tháng 7; Hãng Tân Hữu Nghị từ hơn 1 năm nay chuẩn bị làm phim sử thi Đam San với kinh phí hơn 10 tỷ đồng huy động từ các cá nhân, hiệp hội trong và ngoài nước, khởi quay vào mùa khô 2005; sắp bấm máy vào tháng 7 tại Đà Lạt là phim Khách sạn không đèn của Hãng Việt Image. Tới đây, đạo diễn Lê Hoàng Hoa sẽ về nước làm phim Con ma nhà họ Hứa trở lại; Hãng phim Lý Huỳnh rục rịch chuẩn bị 2 kịch bản: Viên đạn tốc độ và Nữ cảnh sát siêu đẳng...

Bài 1: Vùng đất chưa ai chiếm lĩnh

Tin cùng chuyên mục