Đạo diễn Nguyễn Hoàng - Sự kết nối mới

Đạo diễn Nguyễn Hoàng - Sự kết nối mới

Mặn mà với đề tài truyền thống cách mạng, làm phim tài liệu về những người phụ nữ trong chiến tranh, trong hòa bình và đang chuẩn bị làm phim tài liệu về hai thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Bình; vào thời khắc lịch sử này, đạo diễn Nguyễn Hoàng đã ngồi ôn lại những câu chuyện về phim Lửa rừng (*)…

Đạo diễn Nguyễn Hoàng (trái), nhà nhiếp ảnh Nich Út (giữa) và một người bạn.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng (trái), nhà nhiếp ảnh Nich Út (giữa) và một người bạn.

Trong dịp cả nước chào mừng những ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5, đề cập đến bộ phim tài liệu nhiều tập Lửa rừng, đạo diễn Nguyễn Hoàng nhiệt tình cho biết: Lửa rừng tái hiện lại phần nào cuộc sống, hoạt động cùng sự cống hiến của một thế hệ thanh niên thời ấy, khoảng thời gian 1960 – 1975.  Họ gồm đủ  thành phần: nông dân, công nhân, trí thức, từ Sài Gòn, Gia Định đến, từ đồng bằng sông Cửu Long lên, từ miền Bắc vào. Đặc biệt, có cả một số thanh niên Việt kiều ở nước ngoài đã trở về Trung ương Cục miền Nam.

Có thể nói, Trung ương Cục miền Nam đã là nơi tập hợp lực lượng mặt trận lớn ở miền Nam Việt Nam, gồm 24 cơ quan, tổ chức trong rừng. Đây từng là nơi đào tạo nguồn cán bộ nòng cốt, góp phần bổ sung đội ngũ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương sau này. Phim không hẳn đã tổng kết hết mọi vấn đề của thời đại nhưng theo tôi, có một chi tiết được ghi nhận khá thú vị khi ông Kiều Xuân Long (Ban liên lạc Đoàn thanh niên các cơ quan dân chính Đảng Trung ương Cục miền Nam) đã nhớ lại nhận xét của một cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam, nhận xét: “Chúng tôi khi nhận lệnh chiến đấu tại Việt Nam đều có hai việc. Trước khi đi, cầu nguyện đừng chết. Sau khi trở về, lại cầu nguyện vì thoát chết. Còn các ông khi ra trận đã có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt: từ Ban Tuyên huấn đến tổ chức chính trị, quân sự, văn hóa, văn nghệ… Chính nhờ tinh thần lạc quan này, các ông đã thắng”.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng nhắc đến trường hợp cô sinh viên Mỹ, tên Molly Hartman, sống ở New York đi tìm nhân vật chị Năm Lan trong bộ phim Việt Nam thiên sử truyền hình. Chọn học Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, để nghiên cứu đề tài về những nữ tù chính trị, Molly giờ đây trở thành người bạn thân thiết với Việt Nam. Cô đã học tiếng Việt, hát nhạc cách mạng và dành thời gian theo đoàn phim Lửa rừng thăm lại chiến khu xưa. Từ thâm nhập thực tế, cô đã cảm nhận thật sâu sắc, tiến bộ về chiến tranh Việt Nam trong con mắt thế hệ trẻ của Mỹ ngày nay.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng kể thêm về cuộc gặp gỡ giữa hai nhà nhiếp ảnh qua đoạn phim ghi nhanh của TFS về Nick Út (Huỳnh Công Út) và Đoàn Công Tính. Hai nhân vật, một bên là nhà nhiếp ảnh từng chụp những bức ảnh nổi tiếng về thành cổ Quảng Trị trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm và một bên là nhà báo của hãng thông tấn quốc tế AP với bức ảnh đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer vào năm 1973: Em bé Napalm (một câu chuyện thật xúc động về cô bé Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi ở Tây Ninh, bị bom napalm làm cháy tuột da, khóc hoảng loạn trên đường chạy nạn.

Chính nhà báo Nick Út đã đưa cô bé đến nơi cứu chữa. Giờ đây nhà nhiếp ảnh năm xưa trở lại Tây Ninh, sau gần 40 năm từ khi bức ảnh trên ra đời. Còn biết bao điều chưa nói hết qua bày tỏ cảm nhận nhưng thật thú vị, từ cuộc gặp gỡ này. Đạo diễn Nguyễn Hoàng cho rằng nó như sự kết nối mới.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng đã thực hiện hơn 60 tập phim tài liệu truyền hình, trong số đó có một số phim đoạt giải thưởng, tiêu biểu: Giữa ngàn thác lũ, Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam, 1994; Cánh Chim không mỏi, Bông Sen vàng, LHPVN, 1998; Mê kông ký sự, Cánh diều vàng, 2007; Người trong phim, giải C Báo chí quốc gia, 2008…

----------------

(*) Lửa rừng (kịch bản: Dương Cẩm Thúy, Minh Trí; đạo diễn: Nguyễn Hoàng).

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục