Khoảng trống “thị trường bóng đá”

Bầu không khí bóng đá nhiều ngày qua nóng lên với thông tin Arsenal, CLB hàng đầu Anh quốc, sẽ sang Việt Nam vào tháng 7 tới. Dù đã họp báo công bố thông tin nhưng hợp đồng vẫn chưa được ký kết bởi sự phức tạp của nó. Chính ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF, đồng thời cũng là người đại diện Eximbank, đơn vị tài trợ cho thương vụ này phải thừa nhận, nếu không có mối quan hệ đặc biệt giữa Hoàng Anh Gia Lai và Arsenal thì cũng không dễ hoàn thành công tác đàm phán.

Cũng vì thế, số tiền phải trả để có 2 ngày thăm Việt Nam của Arsenal được ông Lê Hùng Dũng đánh giá là không rẻ nhưng hợp lý nhờ bỏ qua được một số khâu trung gian, môi giới với sự có mặt của Hoàng Anh Gia Lai. Nói cách khác, nếu không có mối quan hệ ấy, thật khó để đưa một đội bóng danh tiếng như Arsenal sang Việt Nam. Vấn đề không chỉ là số tiền mà nằm ở chỗ bao nhiêu là phù hợp. Mà để tìm ra một chi phí hợp lý, lại cần có tiếng nói từ “thị trường bóng đá”.

Tuy nhiên, đây lại là khoảng trống mênh mông mà bóng đá Việt Nam chưa khai thác được. Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào về tình yêu bóng đá nhưng lại chưa hình thành hoạt động thương mại liên quan đến các sản phẩm bóng đá. Những CĐV nhiệt thành của Arsenal chẳng hạn, nếu muốn có một chiếc áo đấu chính hiệu, phải đặt hàng qua các nhà sản xuất thay vì có thể dễ dàng mua ngay tại Việt Nam nếu như Arsenal xem đây là thị trường của họ. Thói quen kinh doanh và mua sắm sản phẩm bóng đá không tồn tại khi ngay chính làng bóng nội địa cũng chưa có CLB nào có sản phẩm phục vụ CĐV của mình.

Chính “khoảng trống thị trường bóng đá” đã khiến nạn cá cược bất hợp pháp bùng nổ gần đây trong khi các cấp quản lý vẫn chưa tìm được phương án tối ưu để khai thác hàng ngàn tỷ đồng doanh thu thông qua đề án xổ số thể thao vốn đã bàn thảo gần chục năm qua. Càng để “thị trường bóng đá” trống trải, lượng ngoại tệ sẽ tiếp tục chảy ra nước ngoài cả gián tiếp đến trực tiếp, đúng luật hay bất hợp pháp. Thị trường không có sẽ khiến cho cơ hội tiếp cận các CLB danh tiếng cũng sẽ nhỏ nhoi và muốn mời họ sang Việt Nam, lại phải tốn nhiều tiền hơn những nơi đã có thị trường, khiến các CLB đó phải có trách nhiệm quảng bá hình ảnh cho chính họ.

Và xét ở một góc độ hẹp hơn, chính khoảng trống của “thị trường bóng đá” đang làm méo mó mô hình bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam khi nguồn thu từ bản quyền truyền hình, sản phẩm lưu niệm đến nhượng quyền thương hiệu gần như là con số 0, bắt buộc phải tốn kém thêm chi phí đầu tư từ các nguồn lực xã hội một cách không cần thiết, phù hợp quy luật.

Tóm lại, nếu không có thị trường, cơ hội được đón một Arsenal “giá hợp lý” không dễ một chút nào chứ chưa nói đến việc chúng ta phải tốn bao nhiêu tiền. 

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục