Siết chặt nguồn lợi gần bờ, đẩy mạnh xa bờ và viễn dương

(SGGP).- Ngày 11-12, chủ trì hội nghị tổng kết 12 năm thi hành Luật Thủy sản năm 2003 tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, sau 12 năm thực thi, Luật Thủy sản năm 2003 đã có nhiều nội dung, quy định không còn theo kịp hoặc phù hợp với xu thế phát triển của ngành thủy sản cũng như tiềm năng kinh tế - xã hội, do đó cần thiết phải bổ sung, sửa đổi để đề nghị Chính phủ và Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2017-2018.

Theo Bộ NN-PTNT, trong thời gian qua, hàng loạt luật được ban hành, bổ sung sửa đổi liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, đa dạng sinh học, chất lượng sản phẩm hàng hóa, luật đất đai, luật biển... buộc phải khẩn trương điều chỉnh Luật Thủy sản để đảm bảo tính phù hợp và thống nhất về các văn bản quy phạm đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế lớn, kim ngạch xuất khẩu từ 2,6 tỷ USD năm 2004 khi luật chính thức hiệu lực, đến nay đã đạt tới 7,92 tỷ USD nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức về đảm bảo đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi. Chủ trương xây dựng Luật Thủy sản mới cần được bổ sung, sửa đổi theo hướng siết chặt khai thác ven bờ (hiện nay ở mức 1,6 triệu tấn/năm trong khi lẽ ra chỉ nên duy trì ở mức 700.000-800.000 tấn), đẩy mạnh hoạt động đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và viễn dương.

Trước thực tế cả hoạt động khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu đều vướng mắc các rào cản về kỹ thuật theo quy định của các nước khi hội nhập, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu rà soát lại các quy chuẩn, quy định để đảm bảo hoạt động và cạnh tranh phù hợp với các quy định luật pháp và thông lệ quốc tế.

Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, thêm một thực tế nổi lên gần đây là các tàu cá nước ngoài đánh bắt vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, tuy nhiên hiện nay chúng ta không có chế tài xử lý như các nước mà chỉ chủ yếu xua đuổi. Do vậy, trong lộ trình xây dựng dự thảo Luật Thủy sản bổ sung sửa đổi sắp tới cũng nên quy định rõ hơn về các chế tài áp dụng đối với các tàu vi phạm.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục