Singapore -Việt Nam: Lạc quan con đường phía trước

Các nhà lãnh đạo Singapore đã áp dụng động thái đúng đắn, là kết nối kinh tế với Việt Nam ở tầm chiến lược, trên cơ sở tin tưởng và khai thác những lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của 2 nước.

Cách đây đúng 3 năm vào những ngày cuối cùng của tháng 12, một bản tin ngắn về đợt bùng phát bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, Trung Quốc đã khởi đầu cho đại dịch toàn cầu không ai dám nghĩ tới. Nhưng nay điều tồi tệ nhất cũng qua đi. Nhân loại đã có vaccine dù các biến thể mới vẫn còn là thách thức đối với người cao tuổi. Lần đầu tiên sau 3 năm, nhiều nước không còn giới hạn quy mô các cuộc tụ họp xã hội, cho phép gia đình, bạn bè và đồng nghiệp tổ chức giao lưu cuối năm không hạn chế số người hay bắt buộc đeo khẩu trang. Các khu thương mại đã chuẩn bị cho sự trở lại của đám đông khi nhiều người dành thời gian để vui chơi và mua sắm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Tan See Leng (phải sang) chứng kiến lễ ký Biên bản, nhân Hội nghị Bộ trưởng về Kết nối Kinh tế Việt Nam-Singapore lần thứ 16

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Tan See Leng (phải sang) chứng kiến lễ ký Biên bản, nhân Hội nghị Bộ trưởng về Kết nối Kinh tế Việt Nam-Singapore lần thứ 16

Tuy nhiên, tại Singapore, trong bầu không khí phấn khởi nói trên đang thấp thoáng những đám mây đen phía trước. Lãi suất tăng, lạm phát tăng và suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến đạt mức cao nhất trong 2 thập niên là 6% và tiếp tục ở mức cao. Lãi suất tăng do hầu hết khoản vay đều dựa trên lãi suất qua đêm trung bình (Sora) hoặc lãi suất liên ngân hàng (Sibor) biến động cùng chiều với lãi suất do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặt ra. Các ngân hàng Singapore cũng được khuyến khích theo kịp cuộc chiến về tiền gửi, và có ngân hàng tăng sốc đến 7,8%. Từ mua ô tô đến mua nhà, chi phí đi vay đều tăng vọt.

Nhưng theo nhiều nhà phân tích, có nhiều lý do để đảo quốc Sư tử lạc quan dựa trên một số xu hướng rộng lớn, trong đó có một số được chú trọng nhiều hơn sau đại dịch. Điều quan trọng, hoạt động kinh doanh đã hoạt động trở lại với sự tập trung mới vào nguồn cung ứng và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Hoạt động sản xuất đã quay trở lại, không chỉ đối với khẩu trang và thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu trong nước, còn cả chip nhớ (memory chip) và chất bán dẫn cao cấp cũng như thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm.

Vào thời điểm chuỗi cung ứng đang bị căng thẳng, các quốc gia có cùng định hướng đang liên kết với nhau để đảm bảo hàng hóa thiết yếu có thể tiếp tục di chuyển qua biên giới. Chẳng hạn, các cuộc đàm phán vừa kết thúc để nâng cấp Hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN, Australia và New Zealand, trong đó bao gồm các điều khoản đảm bảo các dòng hàng hóa được thông suốt trong các cuộc khủng hoảng. Việc khôi phục kết nối, cũng như các liên kết hàng không và đường biển về mức trước Covid, đang được tiến hành trong khu vực, sẽ giúp ích ngành hàng không và hàng hải của Singapore và doanh nghiệp phụ thuộc vào du lịch. Cảng mới mang tên Tuas ở bờ biển phía Tây chính thức được khai trương vào tháng 9-2022, và 1 tháng sau đó nhà ga số 2 của sân bay Changi đã mở cửa trở lại. Các công trình xây dựng quan trọng tiếp tục được tiến hành để đón đầu tương lai.

Bối cảnh lạc quan nói trên có lẽ đã khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương kiêm Bộ trưởng Nhân lực Singapore, ông Tan See Leng, phấn khởi gặp nhau và hội đàm trước khi chủ trì Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 16 về Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore được tổ chức tại Singapore ngày 2-12-2022. Tham dự hội nghị có đại diện của các bộ, ngành của Việt Nam và Singapore liên quan tới các hoạt động hợp tác kinh tế thuộc 9 trụ cột gồm đầu tư, thương mại và dịch vụ, kỹ thuật số, năng lượng, đổi mới sáng tạo, tính bền vững, giao thông vận tải, giáo dục và tài chính. Trong hội nghị lần này, 2 bên đã thảo luận về phương hướng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp Singapore đưa ra các đề xuất hợp tác mới và tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Tôi may mắn có cơ hội phục vụ hội nghị trong vai trò phiên dịch cho phía Singapore, và cảm nhận niềm phấn khởi của các thành viên tham gia của hai bên. Trên trang Facebook cá nhân, Bộ trưởng Tan See Leng đăng 4 bức ảnh, trong đó theo tôi ý nghĩa nhất là bức ảnh về lễ ký Biên bản hợp tác về đổi mới sáng tạo giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam và Vụ Đông Nam Á và châu Đại Dương (SEAO) thuộc Bộ Công Thương Singapore. Nền bên trái của bức ảnh là biểu tượng tòa nhà Bitexco và Nhà thờ Đức Bà ở TPHCM, bên phải là tòa nhà Marina Bay Sands của Singapore. Việc đặt lá cờ của 2 nước cũng rất tinh tế, cho thấy 2 bên cùng đồng hành trên con đường hợp tác hướng đến cột mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ chiến lược song phương.

Dĩ nhiên con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai. Trong bài phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại Hội nghị thượng đỉnh Caixin hàng năm tại Marina Bay Sands vào trung tuần tháng 11-2022, Bộ trưởng cấp cao Singapore, ông Tharman Shanmugaratnam, cho rằng thế giới hiện đang trải qua giai đoạn khó khăn, phân mảnh và dễ bị tổn thương kéo dài. Ông kêu gọi hợp tác đa phương hơn nữa để giải quyết các vấn đề kinh tế, môi trường và địa chính trị. Biến đổi khí hậu, khủng hoảng nước toàn cầu, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và khả năng xảy ra đại dịch lặp lại, cũng là những vấn đề đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu.

Trong thế giới đầy biến động, rủi ro và các quốc gia phải dựa vào nhau để tồn tại phát triển, các nhà lãnh đạo Singapore đã áp dụng động thái đúng đắn, là kết nối kinh tế với Việt Nam ở tầm chiến lược, trên cơ sở tin tưởng và khai thác những lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của 2 nước.

Tin cùng chuyên mục