Sinh viên khởi nghiệp kinh doanh - Chuẩn bị kỹ mới thành công

Sinh viên khởi nghiệp kinh doanh - Chuẩn bị kỹ mới thành công

Những năm gần đây, ước mơ làm “ông bà chủ” đã trở thành một trào lưu, là câu cửa miệng của không ít bạn trẻ. Thậm chí nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp cũng lập dự án kinh doanh để thử sức mình. Khởi đầu của ước mơ đó có thể là một tiệm cà phê, cửa hàng thời trang, quán ăn nhỏ… 

Thất bại vì... quá “non”

Thanh niên chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong chương trình "Câu chuyện doanh nhân khởi nghiệp" do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tổ chức cuối tháng 11-2011.

Thanh niên chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong chương trình "Câu chuyện doanh nhân khởi nghiệp" do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tổ chức cuối tháng 11-2011.

Dù còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Trung Kiên, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM vẫn háo hức muốn thử sức với công việc kinh doanh. Học chuyên ngành tài chính - ngân hàng nhưng cậu sinh viên năm 3 lại muốn dấn thân vào lĩnh vực dịch vụ giải khát ăn uống. Bỏ ra gần 300 triệu đồng, Kiên cùng người bạn nữa hùn vốn thuê lại quán cà phê trong một con hẻm nhỏ đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3).

Ngay khi mở được quán, bắt tay vào điều hành công việc, cậu sinh viên mới thấm thía kinh doanh hóc búa hơn mình tưởng. Kiên kể: “Vì quá vội vàng, tôi đã không khảo sát giá kỹ mà chấp nhận sang quán với chi phí khá cao chưa kể tiền thuê mặt bằng mỗi tháng. Khi mọi sự đã rồi, tôi mới biết trước đó từng có người được chào giá sang quán này chỉ hơn 200 triệu đồng nhưng vẫn bị chê đắt”.

Những ngày đầu khai trương, bạn bè đến ủng hộ quán khá đông nhưng chỉ được tháng đầu tiên. Sau đó, lượng khách sụt dần. Kiên kể: “Đến tháng thứ 3, có một nhóm thanh niên đến quậy phá đòi… bảo kê. Bất đắc dĩ chúng tôi phải cầu cứu bố mẹ và đành dẹp luôn quán”. Sau lần tập tành làm ông chủ, Kiên đã “thổi bay” hơn 200 triệu đồng tiền bố mẹ để dành cho Kiên đi du học sau khi tốt nghiệp còn anh bạn kia thì phải thi lại tốt nghiệp vì mải mê kinh doanh.

Cũng từng trải qua những va vấp khi tập làm bà chủ, Nguyễn Thanh Huyền, chủ một cửa hàng quà lưu niệm trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) hiện tại khá đau đầu vì món nợ gần trăm triệu đồng. Cô tâm sự: “Tháng nào tổng kết không thiếu hụt chỗ này cũng lỗ chỗ kia dù quán vẫn có khách… Hồi đó, việc quản lý hàng hóa, thu chi không hợp lý, lại không có kế hoạch dài hạn. Cửa hàng thuê 3 tháng trả tiền một lần mà không ký hợp đồng cụ thể. Khi chủ nhà đòi tăng giá thuê mặt bằng 20%, tôi đành chấp nhận rút lui vì nếu tiếp tục sẽ lỗ nặng”, Huyền kể lại.

Chậm mà chắc

Ngày càng xuất hiện nhiều ông chủ, bà chủ thế hệ 8x, 9x nhưng không phải ai cũng dễ dàng gặt hái thành công. Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao với tuyên bố của một sinh viên Đại học Ngoại thương rằng sẽ không bao giờ làm công việc với mức lương dưới 1.000 USD.

Huỳnh Lưu Đức Toàn, sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương TPHCM cho rằng, có thể khi phát biểu câu trên, sinh viên đó chưa có trải nghiệm cuộc sống, chưa va chạm thực tế nhưng không thể phủ nhận tư tưởng tự mãn này đang dần len lỏi và phát triển trong nếp nghĩ của nhiều bạn trẻ. “Dục tốc, bất đạt, tôi nghĩ các bạn trẻ cần tích lũy nhiều kinh nghiệm trước khi đánh cược chuyện tiền bạc”, Toàn chia sẻ.

Chia sẻ những kinh nghiệm và thách thức trong bước đầu khởi nghiệp của các bạn trẻ, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Phạm Phú Ngọc Trai nói: “Những ý tưởng kinh doanh táo bạo và tinh thần vượt khó của các bạn trẻ trong giai đoạn hiện nay là điều đáng quý. Trên thế giới có rất nhiều tấm gương khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên như Bill Gates, Steve Jobs. Tuy nhiên không phải ai cũng xuất chúng như họ, không phải ai cũng có đủ tố chất, điều kiện. Khi khởi sự sớm, bạn sẽ quá bận rộn với việc kinh doanh, không có thời gian học hỏi, tìm hiểu, xây dựng mội quan hệ…”.

“Cơ hội lúc nào cũng có, quan trọng là bạn sẽ nắm bắt thời cơ lúc nào và như thế nào. Nhưng để có khả năng đó, các bạn trẻ nên tích lũy đủ dày các kinh nghiệm, kiến thức, vốn sống, khả năng lãnh đạo, quản lý… Học hỏi thần tượng chứ đừng chạy theo thần tượng. Đừng làm ra những điều gì khác lạ mà hãy làm những cái bình thường bằng cách thật khác biệt”, ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ thêm.

Thanh An

Tin cùng chuyên mục