
Chuẩn bị cho đợt trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 10, chúng tôi đã tìm gặp những sinh viên –học sinh ngành y sẽ được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần này. Bằng sự cảm kích và lòng biết ơn đối với học bổng, những người thầy thuốc tương lai đã kể về con đường phấn đấu học tập của mình…

Lê Thị Thúy Loan, SV năm 3 ngành Hộ sinh. Ảnh: MAI NGUYỄN
Lê Thị Thúy Loan, sinh viên năm thứ 2, bộ môn Hộ sinh thuộc Khoa Điều dưỡng Kỹ thuật Y học là một trong 30 sinh viên của Trường ĐH Y Dược TPHCM được nhận học bổng đợt này.
Là con út trong một gia đình có 3 anh chị em, thuộc diện đặc biệt khó khăn ở ấp Trường An, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, suốt những năm học phổ thông, Loan đã phải phấn đấu với một nghị lực mạnh mẽ mới có thể trụ được trên ghế nhà trường.
Trước khi bị liệt, cha Loan là nhân viên coi kho cho một công ty lương thực trên thành phố, còn mẹ em làm nghề may vá. Cuộc sống gia đình vô cùng chật vật khi cả 3 anh chị em đều đang tuổi ăn học.
Anh và chị của Loan đã phải nghỉ học sớm để dành tiền ăn học cho cô em út. Không phụ công cha mẹ, suốt 12 năm học phổ thông, Thúy Loan liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thành tích cao nhất mà Loan đạt được là giải 3 kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh môn Sinh học dành cho học sinh cấp 3.
Khi Thúy Loan chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học cũng là lúc gia đình rơi vào cảnh khó khăn cùng cực vì cha em lâm bệnh hiểm nghèo, bị liệt bán thân. Vậy mà không ai ngờ, cô bé có vóc dáng nhỏ nhắn với đôi mắt đượm buồn ấy đã thi đỗ 2 trường đại học và 2 trường cao đẳng, trong đó có Trường ĐH Bách khoa (TPHCM).
Khi được hỏi sao em lại chọn theo học ngành hộ sinh của trường y mà không là một trường nào khác, Loan không chút do dự, cho biết: “Vì em thích yêu thích công việc của người thầy thuốc và đặc biệt là yêu thích trẻ sơ sinh…”.
Hỏi về cảm nghĩ khi được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng, Thúy Loan nói trong niềm vui: “Chúng em vô cùng biết ơn sự quan tâm của các tổ chức xã hội. Học bổng này đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như em là một điều vô cùng có ý nghĩa, vì nó đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình, giúp em có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn…”.

Em Đinh Thị Kim Duyên, SV năm 3 ngành Gây mê hồi sức.
Giải thích lý do chọn theo học lớp y học cổ truyền, Nguyễn Thị Kiều Chung, sinh viên năm 2 Trường ĐH Y Dược TPHCM, quê ở Quảng Ngãi, nói bằng giọng run run: “Trước tiên là vì mẹ em. Thấy mẹ sức khỏe ngày càng kém mà điều kiện gia đình quá khó khăn, em muốn học để sau này có thể tự mình chăm sóc chữa bệnh cho mẹ...”.
Nỗi đau mất cha từ khi mới lên 4 tuổi, một mình mẹ tần tảo nuôi con ăn học, Kiều Chung càng ý thức và quyết tâm hơn trong học tập.
Học bổng Nguyễn Văn Hưởng là một nguồn động viên tinh thần và một sự hỗ trợ vật chất hiệu quả để em hoàn thành khóa học.
Ý nghĩa sâu sắc của học bổng, sự quan tâm của những đơn vị sáng lập và hỗ trợ quỹ học bổng này càng khiến Kiều Chung khẳng định sẽ sẵn sàng về quê nhận công tác để phục vụ những người dân còn nhiều khó khăn ở quê hương mình.
Cô sinh viên lớp gây mê hồi sức, khoa điều dưỡng kỹ thuật y học Đinh Thị Kim Duyên cũng rất xúc động khi biết mình lần thứ 2 được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng.
Sinh ra ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, là con đầu trong một gia đình có 3 chị em gái, Kim Duyên sớm nhận thức được nỗi vất vả của bố mẹ khi mọi chí phí lo cho các con ăn học chỉ dựa vào cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà.
Sự bỡ ngỡ trong những ngày đầu nhập học đã khiến em bỏ lỡ cơ hội đăng ký một suất tại ký túc xá Trường ĐH Y Dược TPHCM. Thế là 3 năm qua, em và 4 người bạn cùng quê phải thuê một căn phòng trọ chỉ rộng chừng 15m2 ở đường Trần Hưng Đạo cho tiện việc học hành.
Rất thẳng thắn, Duyên bộc bạch mong muốn trụ lại thành phố một thời gian sau khi tốt nghiệp, không phải để có được công việc tốt, mức lương cao mà là để có điều kiện chuyên tâm nghiên cứu sâu hơn nữa ngành học của mình…
MAI – NHUNG