Sinh viên và việc làm trong dịp Tết đến

Sinh viên và việc làm trong dịp Tết đến

Sinh viên sống xa nhà, Tết đến là dịp tốt nhất để họ về quê sum họp. Nhưng thực tế, khá đông SV phải ở lại thành phố lao động kiếm tiền để trang trải việc ăn ở sau Tết. Bởi, đây là thời điểm việc nhiều, cần những lao động không chuyên.

  • Việc nhiều nhưng... không dễ có

Theo Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, so với năm 2006, công việc năm nay nhiều và đa dạng hơn, tiền lương cũng cao hơn. Trung tâm cũng dành hơn 5.000 đầu việc cho SV vào mùa Tết. Công việc nhiều nhưng để tìm được việc làm thật không dễ.

Sinh viên và việc làm trong dịp Tết đến ảnh 1

Các bạn trẻ đang tìm thông tin việc làm.

Nhiều ngày qua, lận trong túi xách tấm bản đồ TPHCM, Ngọc Trâm (SV năm 1 khoa Ngữ văn Anh Trường Đại học KHXH-NV) tận tụy trên chiếc xe đạp mini Trung Quốc từ Thủ Đức vào nội ô thành phố tìm việc.

Trâm đến Văn phòng Đoàn trường của mình để được giới thiệu đến một công ty X. nhưng Trâm bị từ chối vì nơi đây đã nhận đủ người.

Trâm phải đạp xe lòng vòng thành phố, thấy tiệm nào treo bản cần thuê người thì Trâm ghé. Đi cả ngày dưới cái nắng oi bức nhưng Trâm không tìm ra việc, vì nơi cần thì Trâm không có nghề! Minh Hoa (SV năm 2 khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật) đã mất một số tiền phí cho các điểm giới thiệu việc làm nhưng vẫn không nhận được việc nào phù hợp.

Cuối cùng Minh Hoa phải đi bán cà phê cho một quán “cóc”, với lương tháng chỉ 300 ngàn đồng. Còn Tâm Đoan (SV năm 1 khoa Sử Trường ĐH Sư phạm) sau khi thi xong, không tìm được việc làm, đành phụ quán cơm không lương, chỉ ăn cơm ngày hai bữa.

Tìm việc làm từ các trung tâm dịch vụ việc làm không được, nhiều SV tìm đến các anh chị là người đi trước. Hiện nay, các chương trình game show truyền hình đang trong giai đoạn “nước rút”, cần một lực lượng vỗ tay... “mướn” rất lớn.

SV trong ký túc xá Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và SV Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh thường chiếm số đông trong lực lượng này. Họ phải ngồi suốt 5 giờ liền, lúc la hét, lúc vỗ tay, lúc cười... theo quy định của người phụ trách chương trình game show.

Được biết, đơn vị chủ quản trả công một game 30 ngàn đồng/người và một phần cơm, nhưng qua hai lần cò, mỗi SV còn nhận được 15 ngàn đồng, không cơm.

  • Có việc nhưng không dễ làm

Vất vả, bon chen rồi cũng có một số SV tìm được việc làm trong dịp Tết, nhưng tiền được hưởng không bao nhiêu so với công sức bỏ ra nên nhiều SV muốn tìm việc khác.

Phòng trọ ở tận Thủ Đức, đi từ sáng đến 22 giờ đêm mới về, không có xe máy, bạn Trần Thanh Đảng (SV năm 2, khoa Đông Phương Trường ĐH KHXH-NV) ngày hai lượt, đạp xe từ trung tâm TP về Thủ Đức dài 20km.

Công việc của Đảng là phát tờ rơi, suốt ngày kiếm được 60 ngàn đồng, trừ các chi phí, dư lại 40 ngàn đồng. Hôm nào không may, xe bị hư dọc đường, Đảng phải dẫn bộ suốt cả đoạn. Đảng muốn nghỉ vì cực quá nhưng hiện chưa tìm được việc thay thế! May mắn hơn Đảng, Lê Tâm (SV năm 1 Trường ĐH Nông Lâm) nhờ có bằng cấp võ thuật (nhị đẳng môn Teakwondo) nên dễ được tuyển vào làm vệ sĩ ở các công ty.

Đi làm ca đêm từ 24 giờ đến 6 giờ sáng cho một công ty Y., để “bảo toàn lương”, Tâm phải nấu cơm đem theo, có hôm phải ăn bánh mì chan nước mắm thay cơm.

Làm vệ sĩ cũng khá nguy hiểm nhưng Tâm chỉ được hưởng thù lao 45 ngàn đồng/ca (6 tiếng). “Hay bị coi thường, đôi khi bị khách buông lời sàm sỡ, tiền công không bao nhiêu nhưng vẫn phải cố nhịn nhục để kiếm sống”, đó là tâm sự của bạn Dương Thúy Nga (SV năm 2 khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế) làm nghề tiếp thị bia.

Theo yêu cầu của chủ, để thu hút được nhiều khách, Thúy Nga phải ăn mặc “tươi mát”, song cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn, hôm nào gặp khách “sộp” Thúy Nga cũng có ít tiền “bo”. Hy vọng tìm được việc làm tốt hơn luôn là mơ ước của Thúy.

Hầu như ở các quận huyện nào trong TP cũng có các trung tâm giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, nhiều trung tâm chỉ có vai trò làm trung gian, giới thiệu qua loa để lấy phí, không cần biết SV có tìm được việc hay không.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM, cho biết: Dịp Tết các điểm giới thiệu việc làm hay giới thiệu việc “ảo” cho SV.

Để tránh bị lừa và tìm công việc hợp với bản thân, SV có thể xem thông tin và đăng ký việc làm tại trang web của Trung tâm này: www.sac-hcm.com và tại Trung tâm Hỗ trợ sinh viên (643 Điện Biên Phủ, phường 1, quận 3 TPHCM) hoặc gọi điện trực tiếp đến trung tâm theo số (08) 8351113 để được tư vấn.

NGỌC HIẾU

Tin cùng chuyên mục