Sổ lao động, có cũng như không

Báo SGGP ngày 2-6-2009 có bài viết Khi sổ lao động (SLĐ) bị “vô hiệu hóa” đã nêu ra thực tế, sau hơn 13 năm thực hiện Bộ luật Lao động trên địa bàn TPHCM, mới có 958.571 người được cấp SLĐ (chiếm 50% số lao động thuộc đối tượng được cấp sổ). Làm công tác tổ chức hành chính nhiều năm, tôi nhận thấy Bộ LĐTB-XH cần xem lại tính khả thi của SLĐ.

Bởi lẽ, nếu như coi SLĐ là sơ yếu lý lịch của người lao động (NLĐ) thì xem ra chưa ổn, vì trong quá trình làm việc với thời gian biến động từ 37 đến 42 năm, ai cũng có thể vài lần thay đổi nơi làm việc. Trong thời gian này, lý lịch của họ có những thông tin cá nhân thay đổi, như nơi thường trú, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật…

Thế nhưng, SLĐ lại không thể cập nhật thêm những thông tin cần thiết đó vào và khi đó chỉ còn cách đi mua sổ mới, ngồi viết lại từ đầu quá trình làm việc của mình (giá mỗi cuốn sổ là 5.000 đồng). Đó là chưa kể trong trường hợp làm việc ở nhiều công ty, NLĐ phải tốn thời gian, công sức quay về đơn vị, công ty cũ xin xác nhận quá trình làm việc. Nếu như đơn vị, doanh nghiệp cũ bị giải thể thì thua luôn. Khó khăn là thế, nhưng khi đi tìm việc làm mới hay chuyển công tác thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) lại đòi hỏi sơ yếu lý lịch có công chứng mới nhất cùng văn bằng kèm theo, chứ ít quan tâm đến SLĐ.

Nếu có thì NSDLĐ cần chính là cuốn sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) chứ không phải SLĐ. Thử đặt sổ BHXH nằm cạnh SLĐ, chúng ta sẽ thấy chúng khác nhau không là bao, thế nhưng giá trị pháp lý của hai cuốn sổ khác nhau hoàn toàn. Vì sổ BHXH ghi quá trình làm việc rất chi tiết và nó được đơn vị sử dụng lao động xác nhận và cơ quan BHXH công nhận, chốt sổ giúp NLĐ được bảo vệ quyền lợi khi nghỉ hưu hay nghỉ việc. Còn với SLĐ chỉ là cuốn sổ sơ yếu lý lịch rất sơ sài, không thiết thực với NLĐ lẫn NSDLĐ, nếu như không muốn nói là hơi bị thừa! Và có lẽ cũng vì chưa có NLĐ nào bị cưỡng chế hay bị phạt hành chính vì không có SLĐ, nên SLĐ không có đất dụng võ và NLĐ cũng không thiết tha với nó?

Chúng ta đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vấn đề đặt ra là làm thế nào để NLĐ khi đi tìm việc hay chuyển nơi công tác chỉ phải trình một số giấy tờ liên quan đến cá nhân quan trọng nhất. Điều này không chỉ đỡ tốn công sức, thời gian lẫn tiền bạc mà còn giúp bảo vệ quyền lợi cho họ. Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, nếu được thì nên nhập SLĐ vào sổ BHXH để những quy định của Nhà nước đưa ra dễ thực thi và đi vào cuộc sống thuận lợi.

LÊ TĂNG ĐỊNH (31 Ngô Thời Nhiệm P6 Q3 TPHCM)

Tin cùng chuyên mục