Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp (DN) do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) vừa thực hiện trong quý 3-2012 cho thấy, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN như lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, tổng doanh số, hàng tồn kho đều xấu đi. Trong đó, mức lợi nhuận bình quân trên một đơn vị sản phẩm có xu hướng giảm mạnh nhất. Các DN đều có chung dự báo chắc chắn về tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh của của đơn vị mình là quý 4 còn khó khăn hơn quý 3.
Trong 9 tháng đầu năm 2012, hơn 40.000 DN đã dừng các hoạt động. Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, số DN đóng cửa, phá sản, tạm ngừng hoạt động đã chiếm quá nửa toàn bộ số DN đóng cửa từ trước tới nay. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhìn nhận: “Tình hình này rất đáng báo động. Thời gian qua, DN đang sống bằng lương khô. Giờ thì lương khô đã cạn mà tín hiệu khởi sắc chưa rõ. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm đúng hướng để giải quyết 2 bài toán hóc búa cho DN là hàng tồn kho và nợ xấu cao”.
Trên thực tế, để tồn tại, nhiều DN phải ngược xuôi để lo đầu ra cho sản phẩm. Trưởng phòng thị trường của một DN hàng đầu tại TPHCM kể rằng, từ đầu năm đến nay, thời gian anh dành cho gia đình rất ít. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, áp lực công việc càng căng thẳng hơn. Việc bám sát và nắm bắt tín hiệu thị trường sẽ giúp DN có những hướng đi phù hợp, từ đó có biện pháp kích thích thị trường, kích thích kênh phân phối, tạo niềm tin đặc biệt cho khách hàng. Mặt khác, việc chấp nhận hy sinh lợi nhuận để đảm bảo kênh phân phối được ổn định trở thành mệnh lệnh tại nhiều DN trong bối cảnh sức mua giảm sút khá mạnh.
Đối với các DN bán lẻ trong nước, họ cũng đang bị “hụt hơi” khi bước vào cuộc cạnh tranh trực diện với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài trong việc thực hiện chiến lược khuyến mãi để thu hút khách. Đành rằng giảm giá, khuyến mãi nhiều thì người tiêu dùng có lợi nhưng trên thực tế, đây chỉ là cái lợi trước mắt. Với những người chịu khó quan sát sẽ dễ dàng hiểu rằng, tập đoàn nước ngoài không chỉ “mạnh về gạo, bạo vì tiền” mà họ còn thừa kinh nghiệm trong chiến lược thâu tóm thị trường. Về lâu dài, ai nắm được hệ thống phân phối, người đó có quyền quyết định đến sản xuất!
Với tốc độ mở cửa thị trường và việc thực thi các hiệp định thương mại song phương và đa phương, hàng hóa của các nước trong khu vực xuất hiện tại thị trường TPHCM ngày càng nhiều hơn. Ngay như trong nước, việc cạnh tranh sản xuất trên cùng một chủng loại mặt hàng thì phần thắng cũng đang thuộc về DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Khó khăn dồn dập vẫn đang bao trùm lên các DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong khi nhiều chính sách hỗ trợ DN vẫn chưa được triển khai. Đã đến lúc Nhà nước phải có trách nhiệm với cộng đồng DN, với chính những khó khăn mà DN đang gặp phải. Nếu không tạo điều kiện thuận lợi cho DN thì đừng nên làm khó họ vì chính những chính sách thiếu linh hoạt, đã làm DN trở tay không kịp. Nên có chính sách giãn, giảm thuế để khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.
Để kích cầu tiêu dùng, Nhà nước nên mạnh dạn miễn thuế VAT để DN đẩy nhanh lượng hàng tồn, thu hồi vốn. Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế khoanh lại các khoản nợ được xếp vào diện khó đòi, sau đó sẽ xử lý sau. Các ngân hàng thương mại phải chia sẻ với DN, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được các nguồn vốn để duy trì hoạt động.
Thúy Hải