Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 do Bộ GD-ĐT ban hành quy định sinh viên ĐH, CĐ khối không chuyên ngữ muốn được công nhận tốt nghiệp phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3, tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu. Từ cuối năm 2012, bộ đã bắt đầu hướng dẫn các trường thực hiện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, nếu thực hiện quy định này, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hàng năm của các trường sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Phó phòng đào tạo một trường ĐH chuyên về kỹ thuật cho biết: “Nhiều năm nay, trường tôi áp dụng chuẩn trình độ B quốc gia, nhưng nhiều sinh viên không vượt qua nổi do nợ học phần tiếng Anh. Nếu giờ áp dụng theo chuẩn mới, e là tình hình càng bi đát hơn”.
Cũng theo vị này, trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên hiện nay rất chênh lệch. Trong đó, sinh viên tỉnh và sinh viên khối ngành cơ khí, kỹ thuật là hai đối tượng đáng lo nhất. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc thiếu đầu tư học ngoại ngữ từ bậc phổ thông. Nhiều em trong bài kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào sai cả những lỗi ngữ pháp cơ bản, từ vựng gần như bằng 0, nghe nói lõm bõm vài câu tiếng Anh giao tiếp thông thường. Do đó, dù có nỗ lực cách mấy, bốn năm ĐH cũng không thể giúp “vịt” lột xác thành “thiên nga”. Nói như vậy để thấy rằng trong giáo dục, chuẩn không phải là thứ người ta có thể dễ dàng bắt chước một cách máy móc. Đành rằng Việt Nam đang ở vào thời kỳ hội nhập, song khi chưa có những nền tảng chuẩn bị cần thiết thì mọi cố gắng, phấn đấu chỉ mang tính… làm khó người thực hiện.
Tương tự, đối với chủ trương không mở mới các trường khối ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng, trường nào đã thành lập xin mở thêm các ngành này đều bị từ chối của Bộ GD-ĐT cũng được xem là một trong những giải pháp tình thế “chẳng đặng đừng” trong việc phân bổ lại nguồn lực lao động của xã hội.
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương, động thái trên chỉ mang tính cơ học, không giải quyết căn cơ vấn đề, hạn chế đào tạo 1, 2 năm thì sau đó đâu cũng lại vào đấy. Thay vào đó, thay vì hạn chế tuyển sinh hay dừng mở ngành mới, lẽ ra những người có trách nhiệm nên đưa định hướng nghề nghiệp vào một trong những nội dung quan trọng của chương trình giáo dục ở bậc phổ thông, lấy đó làm cơ sở phân luồng và điều tiết lao động các ngành, nghề trong xã hội. Song, đáng tiếc là hiện nay chúng ta đang “xây nhà từ nóc”, giữa các bộ phận chưa có sự gắn kết, liên đới rõ ràng. Hậu quả là bất cập ở bậc học nào, bậc đó lo khiến nhìn toàn thể bức tranh giáo dục Việt Nam chẳng khác gì con tàu lớn nhiều khoang cồng kềnh nhưng đầu tàu lại không có!
Hai quy định ra đời vào hai thời điểm khác nhau, song cùng hướng về một mục tiêu chuẩn hóa lao động cho xã hội. Tuy nhiên, khi chưa có nền tảng nghiên cứu và những chuẩn bị rõ ràng, mọi cố gắng đều trở thành vô nghĩa.
Thanh Thu