Ngày đầu tiên thi ĐH đợt 2 năm 2006

Số thí sinh bị đình chỉ thi tăng vọt

Thông tin liên quan
Số thí sinh bị đình chỉ thi tăng vọt

Hôm qua, 489.593 thí sinh (TS) đã hoàn tất những môn thi đầu tiên của đợt 2 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006 với số TS dự thi đạt 75,67% so với số đăng ký. Theo thống kê sơ bộ từ Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2006 của Bộ GD-ĐT, trong ngày thi đầu tiên của đợt 2, có 477 TS bị kỷ luật, trong đó có 438 TS bị đình chỉ thi, cao hơn cùng kỳ năm 2005 (422 TS bị đình chỉ). Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng TS bị đình chỉ thi có thể còn cao hơn số liệu bộ công bố.

  • “Phao” điện thoại di động và “phao” giấy đều tăng

Số thí sinh bị đình chỉ thi tăng vọt ảnh 1
Thí sinh dự thi vào ĐH Sư phạm TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Toán. Ảnh: MAI HẢI

Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng trong ngày hôm qua, tình trạng TS mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi vẫn diễn ra “ì xèo” và trắng trợn hơn so với đợt 1.

Dẫn đầu trường có số TS bị đình chỉ do mang tài liệu các loại vào phòng thi là khối các trường công an với 125 TS. Kế đến là ĐH Thái Nguyên với 98 TS bị đình chỉ, ĐH Huế có 19 TS, Viện ĐH Mở Hà Nội có 18 TS.

Trong buổi thi môn văn vào Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội, có 4 TS bị bắt quả tang đang sử dụng tài liệu photo thu nhỏ. Tại hội đồng thi ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, có 6 TS bị đình chỉ thi thì 5 TS cố tình mang tài liệu vào phòng thi và 1 TS viết bậy lên bài thi. Trong khi đó, thi vào Trường ĐH KHXH-NV TPHCM có 4 TS bị đình chỉ do mang ĐTDĐ vào phòng thi.

Như mọi năm, luôn nằm trong số trường có TS thi bị đình chỉ cao, Trường ĐH Luật Hà Nội có 13 TS và Trường ĐH Luật TPHCM có 18 TS bị đình chỉ thi do mang “phao” vào phòng thi, trong đó 1 TS mang ĐTDĐ bị giám thi phát hiện khi… tin nhắn tới. Tại trường ĐH Nông Lâm TPHCM, trong hai trường hợp bị đình chỉ thi do mang tài liệu photo thu nhỏ vào phòng thi, có 1 TS bị bắt quả tang khi đang xem tài liệu trong nhà vệ sinh. Còn 4 trường hợp bị đình chỉ thi tại ĐH Y Dược TPHCM có 2 TS mang ĐTDĐ vào phòng thi và nguỵ trang bằng… áo gió. Ở cụm thi Cần Thơ có 3 TS bị đình chỉ thi do mang theo ĐTDĐ, trong đó có 1 TS đang nghe đọc lời giải qua… tai nghe.

  • TPHCM: Gian lận tinh vi hơn

Một TS thi vào Trường ĐH KHXH-NV TPHCM mang theo một xấp bản photo bằng tốt nghiệp và giải thích với giám thị: “sợ bằng tốt nghiệp bị mờ nên mang nhiều cho chắc ăn”. Khi giám thị kiểm tra kỹ thì phát hiện có nhiều chữ được viết bằng loại bút mờ ở mặt sau các bản phô tô này. Bị lập biên bản đình chỉ thi, TS này còn cãi: “Không cho xem thì bôi đi, sao lại lập biên bản?”.

ĐH Sư phạm TPHCM phát hiện một trường hợp gian lận rất đặc biệt: TS Nguyễn Ngọc Thuận ở tổ 4 ấp 2 xã Vĩnh Tân huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai khi nộp bài thi bị phát hiện mẫu giấy làm bài thi khác với mẫu giấy thi đang sử dụng. Thì ra TS này đã sử dụng các tờ giấy thi của nhiều năm trước, trên đó chép sẵn nhiều bài văn mẫu mang vào phòng thi, khi phát hiện đề văn hỏi về Mỵ và A Sử đúng với câu hỏi trong văn mẫu, liền lấy tờ giấy thi này, giả chữ ký của hai giám thị (khá giống) và đem nộp làm tờ bài làm số 2. Không may cho TS này mẫu giấy làm bài thi năm nay được thay đổi so với các năm trước nên bị phát hiện gian lận, TS bị đình chỉ thi.

  • Hà Nội: Tỉ lệ dự thi thấp, nhiều TS cấp cứu

Số thí sinh bị đình chỉ thi tăng vọt ảnh 2
Thí sinh tranh thủ ôn bài trong giờ nghỉ trưa. Ảnh: MAI HẢI

Tỷ lệ dự thi của thí sinh so với hồ sơ đăng ký ở hầu hết các trường tại Hà Nội đều từ 70% trở xuống. 2 trường có tỷ lệ dự thi thấp nhất là ĐH Ngoại thương (58,1%) và Học viện Quan hệ quốc tế (54%). Tại phòng thi số 304, điểm thi Học viện Quan hệ quốc tế, chỉ có 3 thí sinh đến dự thi và làm bài.

Tại một điểm thi của Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, trong buổi thi môn văn, khi gần hết thời gian làm bài, TS Nguyễn Phương Thảo (quê Bắc Ninh, SBD 07939) đã bị ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu. Bài thi của Nguyễn Phương Thảo vẫn được thu bình thường và đến buổi chiều, Thảo tiếp tục dự thi môn Toán. Tại Hội đồng thi ĐH Công đoàn, trong buổi thi môn văn cũng có 2 thí sinh nữ bị ốm, mệt phải nhờ đến nhân viên y tế của cụm thi cứu chữa. Còn tại ĐH Ngoại thương cũng có 2 TS bị chảy máu cam trước giờ thi và cũng phải nằm phòng cấp cứu của cụm thi.

  • Miền Trung: Thời tiết làm khổ TS

Vẫn trong tiết trời nắng nóng gay gắt, ngày thi đại học đầu tiên đợt 2 (9-7) tại khu vực miền Trung không mấy suôn sẻ khi nhiệt độ lên đến 39 độ C. Có khoảng 30% TS đã ra khỏi phòng thi sớm so với thời gian quy định từ 30-45 phút. TS Nguyễn Hoàng Thành, quê tỉnh Gia Lai, cho biết: “Phòng em có 25 TS thì có khoảng 8 người ra sớm trước 45 phút do trời nóng quá không làm bài nổi”.

Theo Hội đồng tuyển sinh Đại học Vinh, có 4 TS đã bị ngất xỉu do nắng nóng phải cấp cứu tại bệnh viện và không thể quay trở lại thi tiếp. Kết thúc ngày thi thứ nhất, theo thống kê sơ bộ từ các cụm thi Đại học Vinh, Đại học Đà Nẵng và Đại học Qui Nhơn, có 37 TS bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu. 

Đề thi sinh: hay; đề văn, sử: không khó

Th.S Lê Thúy Quyên -
Trưởng bộ môn sinh- Khoa Khoa học cơ bản- ĐH Y Dược TPHCM:

Theo tôi, đề sinh vật năm nay khá hay, phần lớn đòi hỏi TS phải biết vận dụng kiến thức để trả lời. Phân bố nội dung đề thi sát chương trình, kiến thức rải đều từ lớp 10, 11, 12. Đề thi năm nay khác với năm 2005 là có một câu lớp 10 chiếm 15% tổng số điểm. Cách hỏi cũng hay hơn, một số câu lý thuyết như câu 3 thì TS học thuộc bài là làm được hết, câu này không cần suy luận. Câu 1: mặc dù lấy từ trong sách giáo khoa nhưng không đòi hỏi thuộc lòng. TS chỉ cần hiểu bài đã học là làm được.

Câu 2: đòi hỏi phải nắm vấn đề, câu này có tính chất suy luận, nhưng sự phân loại vừa tầm, không hề đánh đố. Câu 4: đây cũng là một dạng lý thuyết ra dưới hình thức bài tập, TS phân tích được đề và áp dụng kiến thức trong sách giáo khoa đã từng học sẽ làm được. Câu 5: ra trong chương trình lớp 11, một dạng bài tập kinh điển, không khó. Câu tự chọn phần dành cho học sinh phân ban và không phân ban ra rất sát chương trình.

Thầy Đỗ Ngọc Ẩn,
nguyên tổ trưởng tổ Sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM:

Cấu trúc của đề môn sinh khối B rải đều chương trình học cấp 3. Câu 1 là phần kiến thức lớp 10, gây nhiều lúng túng cho TS nếu các em không có kiến thức căn bản. Câu 2 mặc dù nằm ở nội dung học lớp 11 nhưng khá dễ. 4 câu hỏi còn lại rơi vào phần kiến thức lớp 12, trong đó tập trung vào chương trình học kỳ 1. Điều này cũng khá hợp lý vì ở lớp 12, học kỳ 1 các em học gấp đôi số tiết học kỳ 2. Câu 4 có liên quan đến kiến thức lớp 11, đòi hỏi các em phải biết suy luận. Nhìn chung, đề sinh năm nay không khó, chỉ cần TS chăm chỉ, thuộc bài là có điểm. Không có nhiều điểm 10 tuyệt đối nhưng điểm 7,8 sẽ nhiều.

Cô Nguyễn Phương Liên,
giảng viên Trung tâm Văn hóa Trường ĐH Sư phạm TPHCM:

Đề thi ĐH môn văn khối C dễ hơn đề của năm trước. Đề cũng không có những câu hỏi quá khó, chỉ cần TS học thuộc lòng là làm được bài. Nhìn chung, cấu trúc điểm ở các câu hợp lý. Riêng câu 2 đòi hỏi TS phải vận dụng kiến thức phong phú. Nếu TS sa đà vào câu này sẽ không có đủ thời gian làm tiếp những câu hỏi còn lại. Câu bình giảng một khổ thơ “Đây mùa thu tới” khá “bất ngờ”, không phải vì đề khó mà vì đề đã ra cách đây mấy năm với dạng thức tương tự. Do vậy, nếu em nào luyện tủ thì đã chủ quan, không xem kỹ và bị mất ưu thế. Tôi đoán điểm văn khối C năm nay đạt điểm 9 thì hơi khó song điểm 7, 8 có lẽ sẽ có khá nhiều. Những năm gần đây, đề thi ĐH không có đánh đố TS nhưng đề cũng nên có câu hỏi mang tính phân loại trình độ TS.

Thầy Lê Quang Dũng,
Trường THPT Nguyễn Công Trứ TPHCM:

Điểm nổi bật của đề thi sử năm nay là đề không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc học thuộc lòng mà đã chú ý đến tư duy logic, khái quát, phân tích. TS cần phải nắm được kiến thức một cách hệ thống bao gồm cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Đặc biệt có câu 3 (phần A) là một câu hỏi hay, đòi hỏi TS không những thuộc, hiểu mà cần phải biết lựa chọn các sự kiện tiêu biểu và cao hơn là phải biết cách lập luận để làm nổi bật vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầy thử thách này. Câu hỏi này dành cho học sinh khá, giỏi. Câu 1 (phần A) cũng yêu cầu suy luận, nhưng với mức trung bình khá. Lập luận cũng đơn giản hơn câu 3. Riêng phần tự chọn (B), theo tôi câu hỏi 1 (hiệp định Giơnevơ) chưa được hay, chỉ dừng lại ở mức thuộc lòng.

Nhìn chung với đề thi như vậy đã có thể phân loại được TS, có cơ sở xác đáng để chọn TS khá, giỏi, không sợ nhầm. Còn điểm số thì chưa thể nói được vì còn tùy thuộc vào đáp án chi tiết.

Bị bắt vì giả làm giám thị cho... oai

Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng có một trường hợp trà trộn giả làm giám thị coi thi, với thẻ coi thi đúng là loại thẻ của trường. Sau khi bị phát hiện, người này khai tên là Trần Thành Được, ở tại 88/30/2 Nguyễn Khoái, phường 2 quận 4 TPHCM. Nơi cư trú theo CMND là ở thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp. Người này mang ĐTDĐ theo nhưng tắt máy. Hiện anh ta đang bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra, nhưng theo lời khai ban đầu thì giả làm giám thị vì thích, làm cho oai!

2 TS... cùng tên, sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm

Không chỉ trùng tên là Nguyễn Thị Kim Anh mà 2 TS thi tại điểm thi TH Nguyễn Bỉnh Khiêm của Trường ĐH Y Dược TPHCM còn trùng cả ngày, tháng, năm sinh. Để tránh việc thi hộ, thi kèm, Hội đồng coi thi đã quyết định thông báo cho công an. Nhưng trường vẫn cho 2 TS này dự thi.

Bắt khẩn cấp một trường hợp đọc đề ra ngoài

Sáng ngày 9-7, có 1 TS tại hội đồng thi ĐH Dân lập Phương Đông đã bị bắt giữ nhờ tin báo của lực lượng công an. Khi nhận được thông báo từ phía công an, hội đồng tuyển sinh nhà trường đã đến phòng thi lập biên bản đình chỉ thi trong khi TS này đang say sưa ngủ sau khi hoàn thành việc đọc đề thi ra ngoài.

NHÓM PV

Thông tin liên quan

Gần nửa triệu thí sinh thi đại học đợt 2 

Tin cùng chuyên mục