Hội đồng trường: Trụ cột trong tiến trình tự chủ đại học

Tự chủ đại học (ĐH) không phải là một lựa chọn hay một biện pháp hành chính ngắn hạn. Đó là bản chất cốt lõi của ĐH hiện đại, là điều kiện tiên quyết để ĐH thực hiện sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phục vụ phát triển quốc gia trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ. Trong bối cảnh đó, Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học 2018 đang đặt lại vấn đề tổ chức hội đồng trường (HĐT) ở cấp trường thành viên các ĐH.

Hội đồng ĐH Quốc gia TPHCM họp bàn về các chính sách, chiến lược phát triển của ĐH Quốc gia TPHCM trong giai đoạn mới. Ảnh: THANH HÙNG
Hội đồng ĐH Quốc gia TPHCM họp bàn về các chính sách, chiến lược phát triển của ĐH Quốc gia TPHCM trong giai đoạn mới. Ảnh: THANH HÙNG

Tự chủ: nền tảng để ĐH thực hiện sứ mệnh thời kỳ mới

Tự chủ ĐH bắt nguồn từ triết lý Humboldt, nơi trường ĐH được xem là thiết chế học thuật độc lập, nơi sản sinh tri thức và dẫn dắt đổi mới xã hội. Ngày nay, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), UNESCO, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và nhiều tổ chức quốc tế đều thống nhất rằng: tự chủ là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và tính thích ứng của ĐH hiện đại. Luật Giáo dục đại học năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) đã khẳng định quyền tự chủ trên cả 4 trụ cột: tổ chức, tài chính, nhân sự và học thuật. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai còn tồn tại nhiều điểm nghẽn: tư duy quản lý hành chính chưa thay đổi, các luật liên quan chồng chéo, đặc biệt là thiếu mô hình quản trị thực chất bên trong nhà trường. HĐT, thiết chế được giao quyền lực cao nhất, vẫn chưa phát huy đúng vai trò tại nhiều cơ sở giáo dục.

Trong mô hình ĐH tự chủ, quyền lực được phân tầng rõ ràng. Các cơ quan quản lý vĩ mô chủ yếu là quản lý nhà nước. Với cơ sở giáo dục ĐH, HĐT là cơ quan hoạch định chiến lược, phê duyệt kế hoạch tài chính, tham gia quy trình bổ nhiệm nhân sự chủ chốt và giám sát toàn bộ hoạt động điều hành. Hiệu trưởng là người trực tiếp vận hành hàng ngày, chịu trách nhiệm giải trình trước Đảng ủy, HĐT và xã hội. Mối quan hệ giữa HĐT và hiệu trưởng là mối quan hệ hỗ tương, tương tự mô hình “Board - CEO - Management” trong quản trị hiện đại. Đây là mô hình quản trị ĐH phổ biến trên thế giới.

Thế nhưng, thực tế tại Việt Nam, dù luật đã quy định rõ vai trò của HĐT, nhưng quá trình thực thi vẫn còn hình thức ở nhiều nơi do có 3 điểm nghẽn lớn trong vận hành. Theo khảo sát của World Bank mới đây, chỉ 12% lãnh đạo trường ĐH ở Việt Nam cho rằng HĐT có vai trò thực chất trong các quyết định chiến lược, trong khi con số này là 67% ở Singapore và trên 70% tại Hà Lan.

Có thể nhận thấy kết quả này đến từ 3 điểm nghẽn chính: (1) Tư duy quyền lực cũ - nhiều hiệu trưởng, nhà quản lý chưa quen với quản trị chia sẻ, không ủng hộ HĐT khiến thiết chế này khó phát huy trên thực tế; (2) Thành phần thiếu độc lập - ở nhiều trường, cán bộ quản lý trong cơ sở chiếm đến 70%-80% thành viên HĐT, trong khi luật quy định không quá 50%.

Điều này khiến HĐT thành “bản sao mở rộng” của ban giám hiệu, thiếu phản biện và khách quan; (3) Thiếu công cụ hỗ trợ và hậu kiểm - HĐT không thể cập nhật dữ liệu quản trị đầy đủ, nhà nước vẫn thiên về “tiền kiểm”, thiếu giám sát đầu ra, chưa có “bảng điều khiển” (dashboard) minh bạch để giám sát hiệu quả quản trị.

Xóa bỏ HĐT thành viên: triệt tiêu tính đa dạng

Hiện nay, Việt Nam đang phát triển các mô hình ĐH đa thành viên như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, các ĐH vùng như ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng… theo hướng tương tự ĐH California (Mỹ), ĐH Paris-Saclay (Pháp) hay ETH Zurich (Thụy Sĩ). Đây là mô hình có nhiều trường/viện thành viên hoạt động tương đối độc lập và gắn kết chiến lược, thương hiệu chung trong cùng hệ thống. Trong mô hình này, HĐT thành viên là thiết chế không thể thiếu để đảm bảo tính tự chủ học thuật và bản sắc riêng của từng trường, trách nhiệm giải trình độc lập tại mỗi đơn vị cơ sở, tính linh hoạt, đa dạng và khả năng đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống.

Từ chức năng trên, xóa bỏ HĐT thành viên là quay lại cơ chế tập quyền, đi ngược lại tinh thần tự chủ và triệt tiêu tính đa dạng, tính hệ thống - vốn là thế mạnh của mô hình ĐH đa thành viên. Bởi lẽ, giữ HĐT thành viên là giữ bản sắc, trách nhiệm và quyền đổi mới của từng trường trong một hệ thống thống nhất trong đa dạng. Tuy nhiên, để phát huy tính hệ thống, cần phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ: Hội đồng ĐH xây dựng chiến lược hệ thống, phân bổ nguồn lực, điều phối liên kết; HĐT thành viên quyết định chiến lược học thuật, nhân sự, ngân sách ở cấp đơn vị; gắn với hệ thống nhưng có bản sắc riêng.

Hoàn thiện cơ chế HĐT

Từ thực tế HĐT hoạt động chưa hiệu quả càng cho thấy phải củng cố thể chế thay vì xóa bỏ. Và để HĐT vận hành thực chất, cần đồng bộ cả khung pháp lý, thành phần nhân sự và công cụ quản trị. Cụ thể, về pháp lý, giữ quy định HĐT là cơ quan quyền lực cao nhất (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương xác lập là trung tâm quyền lực trong mô hình quản trị mới).

Đồng thời, theo Luật số 34/2018/QH14, mỗi trường phải xây dựng “nội luật”, quy chế tổ chức và hoạt động, do HĐT thông qua. Về nhân sự, cần tăng tỷ lệ thành viên độc lập (30%-40%) nhằm đảm bảo tỷ lệ cán bộ quản lý trong trường dưới 50%. Chủ tịch HĐT là Bí thư Đảng ủy và không kiêm nhiệm hiệu trưởng. Về công cụ giám sát, đảm bảo hội đồng có cơ chế giám sát rõ ràng, hiệu quả. Về quản lý nhà nước, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” bằng kết quả đầu ra và trách nhiệm giải trình.

Đối với hội đồng các trường thành viên, ngoài hoàn thiện cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực, cần thiết xác định rõ nội dung quản trị giữa Hội đồng ĐH và HĐT thành viên theo nguyên tắc “Chiến lược tập trung - Hành chính phân quyền - Học thuật tự chủ”.

Tự chủ ĐH là điều kiện nền tảng để ĐH phát huy vai trò trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, tự chủ không thể thực chất nếu thiếu thiết chế quản trị dân chủ, đại diện như HĐT. Vấn đề không phải là “có giữ hay không”, mà “làm thế nào” để HĐT thực sự hiệu quả. Tự chủ chỉ có thể bền vững khi đi cùng trách nhiệm giải trình, và HĐT chính là trung tâm bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lực và trách nhiệm đó. Giữ HĐT, đặc biệt tại các trường thành viên, không đơn thuần là bảo vệ một thiết chế mà là củng cố nền tảng thể chế, để ĐH Việt Nam vươn mình thành động lực quốc gia trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Tin cùng chuyên mục