Sóc Trăng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nông nghiệp kém hiệu quả là nội dung quan trọng trong điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này phải đảm bảo hiệu quả canh tác và mang lại lợi ích bền vững cho nông dân.
Sóc Trăng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nông nghiệp kém hiệu quả là nội dung quan trọng trong điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này phải đảm bảo hiệu quả canh tác và mang lại lợi ích bền vững cho nông dân.

Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, vùng phát triển phù hợp cho từng loại vật nuôi đã có quy định rõ ràng. Trong đó, bò sữa tập trung phát triển ở 4 huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Mỹ Tú, Châu Thành và TP Sóc Trăng - là các vùng nuôi truyền thống và khả năng đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, bà con cũng chuyển đổi một phần đất lúa sang trồng cây thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có hơn 200ha đồng cỏ, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 1.200ha. Đây là một trong những mô hình chuyển đổi hợp lý, nằm trong quy hoạch của tỉnh, được bà con đồng tình và hưởng lợi trực tiếp.

Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng, cho biết: “Tỉnh may mắn có lợi thế phát triển đàn bò sữa, bà con chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng vật nuôi, các vùng được đầu tư công nghệ cao, từng bước hướng việc chăn nuôi theo hướng bền vững, đây là thành công của tỉnh trong việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi”.

Nông dân huyện Cù Lao Dung chăm sóc mía bằng máy. Ảnh: TRUNG HIẾU

Ở xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú trước đây là những rẫy mía bạt ngàn thì nay đã thay dần bằng những mô hình mới, hiệu quả cao, như mô hình trồng sen nuôi cá ở ấp Tân Hòa, trồng cây có múi ở ấp Tân Thành, mô hình VACR ở ấp Mỹ Khánh. Khi cây mía gặp khó khăn về đầu ra thì việc chuyển đổi này đã thật sự giúp địa phương chuyển mình.

Ông Trần Minh Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hưng, nhận xét: “Khu vực này trước đây gọi là lung béc trang, khoảng 200ha lung bào, bà con có nhờ vào hỗ trợ nhà nước nên vào khai phá, kinh thủy lợi thuận tiện để sản xuất nông nghiệp. Trồng lúa luân phiên với trồng sen, mô hình trồng sen nuôi cá ở đây rất hiệu quả, cao gấp 3 - 4 lần lúa. Mô hình đa cây đa, con đem lại lợi nhuận cao hơn so với việc mình chỉ độc canh cây lúa hoặc mía”.

Tuy nhiên không phải cứ chuyển đổi là thành công, vì còn tùy vào cây giống, điều kiện đất đai, nguồn nước bơm tưới, cơ giới hóa sau thu hoạch và nhất là thị trường tiêu thụ. Hiện tại một số nơi trong tỉnh việc chuyển đổi còn theo kiểu tự phát dễ dẫn đến chuyện sản phẩm thừa cục bộ, do nguồn cung đột ngột tăng trong thời gian ngắn. Một số nơi bà con tự chuyển đất lúa, hoa màu sang nuôi tôm, xây dựng trang trại. Như ở xã Mỹ Hương, do một số hộ có thu nhập cao từ việc trồng cam nên diện tích cây trồng này ở địa phương tăng mạnh, gây khó khăn cho khâu tiêu thụ.

Anh Lê Công Duy, một nhà vườn ở xã Mỹ Hương, cho biết: “Chuyển đổi diện tích cây trồng mà không dựa trên cơ sở, không dựa trên liên kết 4 nhà đảm bảo đầu ra thì như xây nhà mà không làm móng vậy, dễ dàng bị sập. Thương lái thì lúc nào cũng có chiêu ép giá, nhất là khi mình cần bán hơn người ta cần mua, nhiều khi tôi còn phải tự chở hàng lên Vĩnh Long, Tiền Giang để tiêu thụ, tính đi tính lại không còn lời bao nhiêu”.

Nói về chuyện cơ cấu giống, ông Lý Trọng Chương, một trong những người tiên phong chuyển đổi 2 công ruộng sang trồng khóm ở xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị cho biết, để thành công với mô hình này, ông đã học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, nhưng thời gian đầu vẫn gặp không ít khó khăn và không đạt được lợi nhuận. Cây khóm tuy dễ trồng nhưng thời vụ thích hợp là mùa nắng và liếp trồng phải thoát nước tốt. Hiện nay, giá khóm mua tại ruộng khoảng 4.500 - 5.000 đồng/kg, ông Chương thu về gần 10 triệu đồng/công.

Theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, việc lựa chọn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên phần diện tích nông nghiệp kém hiệu quả là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên cần phải được thực hiện trên cơ sở kế hoạch hợp lý và cụ thể, từng bước hình thành các vùng sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Mặt khác, tỉnh cũng xác định lúa vẫn là cây trồng chủ lực, diện tích được giữ vững đến năm 2015 là 340.000ha, năng suất từ 6,1 - 6,3 tấn/ha, sản lượng đạt ổn định trên 2 triệu tấn, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững, nhằm gia tăng giá trị và tạo chiều sâu cho sản xuất nông nghiệp.

NGỌC KHUÊ

Tin cùng chuyên mục