Sốc văn hóa

Sốc văn hóa

Ông bạn mới gặp đã nhăn nhó, giờ nó tây quá khó gần. Nó về ngồi lì trong phòng làm việc trên máy tính, chả mấy khi xuống nhà trò chuyện với hai vợ chồng già. Ông bà thông gia của đứa con gái út đến chơi đúng bữa cơm, mẹ nó nài ép mời thông gia cùng ăn cơm với gia đình, người ta cũng phải từ chối hai ba câu lấy lệ. Còn nó lại huỵch toẹt bảo luôn, bố mẹ kỳ thật, hai bác không ăn thì ngồi uống nước, bố mẹ ăn xong rồi ra tiếp khách, làm hai bên cùng ngượng ngùng. Nó là đứa nào sao mà lắm tội thế? Té ra nó chính là cậu con trai cả, đi du học ở Úc mới về mấy tháng nay.

Minh họa: P.S

Minh họa: P.S

Chẳng là khi cu cậu còn bé thì cha nâng mẹ ẵm, ở nhà chẳng phải mó tay vào việc gì, chỉ học. Để bằng anh bằng em, vợ chồng anh bạn cố cho con đi Úc du học. Thằng bé học giỏi, chịu khó. Ngày đầu con đi, anh thẫn thờ, chị nước mắt ngắn nước mắt dài, con gọi về chỉ hỏi cách nấu nướng thế nào vì đồ ăn bên này ngán quá, phải tự lực cánh sinh nấu lấy mà ăn cho vừa miệng. Thấm thoắt, con học thành tài, về nước, anh chị hớn hở, gieo trồng cũng đến ngày hái quả. Thế rồi bắt đầu chặng đường xin việc, nào phải dễ dàng gì, nhưng làm ở hai nơi thì có nơi cậu trụ được nửa tháng do không chịu được cảnh nhân viên vào làm  la cà tán dóc. Nơi khác chỉ hơn 1 tháng sau nghỉ vì bất đồng với trưởng phòng do cậu thẳng thắn góp ý cách điều hành công việc tùy tiện của anh ta. Tốt nghiệp giỏi về công nghệ thông tin ngành truyền thông nhưng giờ đang làm nhân viên cho một ngân hàng, mà chẳng biết bám trụ được bao lâu.

Khá nhiều cô cậu đi du học nước ngoài về đang háo hức được làm việc, được áp dụng kiến thức mình đã học vào công việc đã sốc vì thấy mình khó hòa hợp với môi trường làm việc. Một cô bé đi du học ở Mỹ 7 năm, đi từ khi cô còn đang học lớp 11 tại đây, giờ về làm cho một tập đoàn siêu thị lớn nước ngoài. Cháu đi du học như thế mà lương chỉ có 500 USD/tháng, trong khi có nhỏ kia học trong nước lương 700 USD/tháng cô ạ. Thì ra, cái “nhỏ kia” tuy học trong nước nhưng nó linh hoạt hơn trong các mối quan hệ, nhất là khách hàng, nên được tin cậy hơn. Còn cô bé, cứ áp dụng theo đúng bài bản đã học, nghiêm khắc với chất lượng hàng hóa nhập vào, thành ra lại mất lòng.

Chuyện gia đình “sốc” với văn hóa của con em mình đi du học trở về chẳng còn là chuyện nhỏ. Và cũng nên thấy, quá trình hòa nhập trở lại với nếp sống gia đình và xã hội của chính lớp trẻ này cũng gặp khó khăn và họ bị “sốc” không kém. Theo ý lớp trẻ, phần lớn họ được đào tạo trong môi trường kích thích sự sáng tạo và tôn vinh sự phản biện, họ thích nghi cuộc sống tự lập và tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, nên khi trở về lại bị “sốc” vì sự dĩ hòa vi quý, bằng mặt mà không bằng lòng, sự quan tâm thái quá của cha mẹ đến sinh hoạt riêng tư của mình.

Nhưng xem ra có vẻ người “ở nhà” sốc nhiều hơn. Chị đồng nghiệp mới đây đã kể, cô con dâu út đi du học ở Mỹ hơn 10 năm, từ khi còn rất bé vì gia đình có điều kiện, giờ vẫn đi về hai nơi vì có nhà riêng bên đó. Khi thấy đôi giày đẹp trên mạng rao bán hàng, chị nhờ con dâu mua hộ. Thế rồi, con dâu ôm về tới 3 đôi giày. Hai đôi này con mua biếu mẹ, còn đôi của mẹ mua đây ạ, và đây là bill (hóa đơn) tính tiền đôi giày mẹ mua ạ. Chị sốc. Chị bảo, con dâu lớn thỉnh thoảng về thăm lại mua đủ thứ vật dụng gia đình mang đến nhưng chẳng bao giờ tính tiền với chị cả.

Văn Nương

Tin cùng chuyên mục