Bất chấp một năm kinh tế còn khó khăn, du lịch Tết Quý Tỵ châu thổ Cửu Long vẫn đầy sôi động.
Rộn rã sông nước miệt vườn
“Khách liên tục, ngày nào cũng có; dịp tết khách đặt phòng trước nửa tháng. Họ đi theo đoàn, ở đây dăm bữa nửa tháng để nối tour đi An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng… rồi quay lại ở tiếp. Hơn 70% là khách Việt kiều hoặc quốc tịch nước ngoài”, ông Tám Nghiệp (Nguyễn Văn Nghiệp), chủ khách sạn An Bình trên tuyến lộ Vòng Cung nói vậy. Khách sạn An Bình có vị thế nhìn ngay ra ngã ba sông, chỉ cách trung tâm Cần Thơ khoảng 4km, sát chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh… lại có nguyên liệu ẩm thực sạch, kiểu “cá dưới sông, rau trong vườn” nên hút khách.
Cái hay của ông Tám Nghiệp là nhanh chóng lập trang web (anbinhhotel.vn), hòa vào Agoda, dịch vụ đặt phòng trực tuyến hàng đầu và đang tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, “cung cấp dịch vụ toàn cầu với giá cả địa phương”.
Thế mạnh sông nước miệt vườn đã giúp Cần Thơ đạt 149.000 lượt khách, tăng 12% (chỉ từ 29 đến mùng 6 Tết). Trong đó, riêng tour trên sông đã đạt gần 5.000 lượt khách. Tại Tiền Giang, chưa tính các tour sinh thái, lượng khách tới bến tàu Mỹ Tho trong 9 ngày Tết Quý Tỵ để sang các cù lao và đi sâu vô sông rạch đã tăng trên 20% so năm ngoái, chủ yếu là khách quốc tế (15.413 trên tổng số 19.233 khách), Mỹ Xuân, nhân viên bến tàu cho biết.
Các điểm du lịch miệt vườn Vĩnh Long cũng thu hút nhiều khách. Khu du lịch Vinh Sang (xã An Bình - Long Hồ), mỗi ngày có khoảng 2.500 khách đến vui xuân. Đặc biệt, vào dịp lễ Tình nhân 14-2 (tức mùng 5 Tết) đón trên 5.000 khách.
Sôi động biển và núi
Vào những ngày tết, không khí đón xuân của người dân trên Núi Cấm (Tịnh Biên - An Giang) rất nhộn nhịp. Ông Lý Thanh Sang, Phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển du lịch An Giang, cho hay khu du lịch Lâm viên Núi Cấm, khu du lịch đồi Tức Dụp đều giảm giá, tính giá ưu đãi các loại dịch vụ đối với thanh thiếu niên, học sinh đi theo đoàn.
Từ mùng 1 đến mùng 8 Tết Quý Tỵ, trong tiết trời se lạnh, “nóc nhà đồng bằng” Lâm Viên - Núi Cấm cũng đón trên 100.000 lượt khách. Tại đây ngoài chương trình ca nhạc mừng xuân còn có các trò chơi dân gian, đi xe lửa, câu cá, tô tượng và phục vụ ẩm thực đặc trưng “Món ngon miền núi” như thỏ xào lá trúc, thỏ nướng, bánh xèo trứng đà điểu - rau rừng, gà sao, gà tre, ve sữa...
Dịp tết, Hà Tiên cũng quá tải, trong đó có nhiều khách từ nước bạn Campuchia. Xứ thập cảnh này vẫn giữ được nét cổ kính, hiền hòa, gần gũi vốn có của nền văn hóa 300 năm. Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và cửa khẩu quốc gia Giang Thành đã đón khoảng 7.000 lượt người xuất nhập cảnh.
Tết Quý Tỵ, Phú Quốc hấp dẫn, “nóng” hơn bởi Cảng hàng không quốc tế Dương Tơ đã hoạt động (14 - 17 chuyến bay cất, hạ cánh/ngày) cùng hệ thống hạ tầng giao thông chính như đường trục Nam - Bắc đảo và đường vòng quanh đảo cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại nên lượng khách tăng 17% và doanh thu tăng hơn 15% so với cùng kỳ.
Ngày mùng 1 Tết, tàu du lịch mang quốc tịch Pahamas quá cảnh vùng biển Kiên Giang và có hơn 60 du khách lên đảo Phú Quốc tham quan. Tết năm nay giá phòng lưu trú tại đây chỉ tăng nhẹ trên dưới 5% so với năm trước. Đáng mừng là lượng khách quốc tế bắt đầu tăng trở lại (ước tăng hơn 10% so với năm trước), phần lớn là khách lưu trú từ hai ngày trở lên.
Bất ngờ du lịch tâm linh
Vùng đất chân thổ đa dân tộc đa tôn giáo là điều kiện tốt cho văn hóa tín ngưỡng tâm linh, đặc biệt những ngày “lấy lộc” đầu năm mới. “Tôi không ngờ lại có lượng khách đổ về Phật bà Nam Hải (phường Nhà Mát - TP Bạc Liêu) và nhà thờ Tắc Sậy (huyện Giá Rai) đông như vậy”, anh Đoàn Minh, Việt kiều Australia ngỡ ngàng. Chỉ riêng sáng ngày 17-2-2013 ước tính có hàng ngàn người từ các tỉnh ĐBSCL và TPHCM đổ về vùng biển Bạc Liêu khiến tuyến đường Cao Văn Lầu từ nội ô TP Bạc Liêu ra đến địa điểm vía Phật bà dài khoảng 12km nườm nượp người xe.
Từ 25 tháng chạp đến mùng 4 Tết, lượng khách tham quan tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh tăng gần 3 lần ngày thường, với khoảng 60.000 lượt người. Trong đó có trên 6.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú; trên 1.000 lượt khách quốc tế (chủ yếu là Việt kiều về quê đón tết). Doanh thu dịch vụ du lịch của tỉnh trong 10 ngày tết cũng tăng khoảng 20% so với những ngày thường, đạt khoảng 17 tỷ đồng.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc - An Giang), một điểm tín ngưỡng tâm linh thu hút hàng chục ngàn khách thập phương hằng năm đã đông nghẹt người bắt đầu từ mùng 2 Tết và mùa lễ hội này còn kéo dài đến sau rằm tháng giêng. Mỗi ngày hàng chục ngàn lượt xe lớn nhỏ lưu thông trên đường ra vào nội ô thị xã Châu Đốc.
Giao thông thông thoáng, vệ sinh môi trường, dẹp bỏ những dịch vụ “trời ơi” (giữ xe quá giá, có chim phóng sinh, heo quay…) vẫn là điều mong mỏi của khách hành hương đối với nơi đây. “Sức mua thì sút sức chơi thì sung”, anh bạn trong ngành du lịch hóm hỉnh. Bất chấp một năm kinh tế còn khó khăn, du lịch tết Quý Tỵ ở châu thổ Cửu Long vẫn đầy sôi động.
VŨ THỐNG NHẤT