Sớm ban hành tiêu chuẩn đưa xỉ gang thép vào ứng dụng

Hiện cả nước có 10 lò cao luyện gang thép đang vận hành, mỗi năm sản sinh ra hàng triệu tấn xỉ, nhưng việc tái sử dụng lại gặp nhiều khó khăn do chưa có tiêu chuẩn, cơ chế khuyến khích.

Hiệu quả kép

Ngành công nghiệp gang thép của Việt Nam những năm gần đây phát triển với tốc độ cao. Hiện trên cả nước có 10 lò cao luyện gang thép đang vận hành. Dự kiến năm 2018, sản lượng gang đạt 7 triệu tấn và năm 2020 đạt 13 triệu tấn; thép thô năm 2018 là 14 triệu tấn, năm 2020 là 20 triệu tấn.

Trong quá trình sản xuất gang thép sẽ sản sinh ra khối lượng xỉ lò cao rất lớn, năm 2018 hơn 4 triệu tấn, dự kiến đến năm 2020, con số này có thể lên hơn 7 triệu tấn. Xỉ thép là chất thải được sinh ra trong quá trình luyện thép từ các tạp chất khi đưa vào lò luyện.

Tại nhiều quốc gia, xỉ gang thép được coi là sản phẩm phụ của ngành gang thép hoặc một loại tài nguyên, là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xi măng, vật liệu làm cốt đường giao thông, chế tạo phân bón...

Tuy nhiên, tại Việt Nam, xỉ gang thép hiện vẫn được xem là chất thải rắn cần xử lý, chôn lấp. Điều này không những gây tác động xấu đến môi trường mà còn tốn kinh phí và chiếm dụng diện tích đất nhất định cho việc xử lý xỉ gang thép. 

Sớm ban hành tiêu chuẩn đưa xỉ gang thép vào ứng dụng ảnh 1 Xỉ gang tại một cơ sở sản xuất sản phẩm từ gang. Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tái chế sử dụng xỉ gang thép không những mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa cho biết, ngành công nghiệp gang thép của nước ta những năm gần đây phát triển với tốc độ nhanh. Nhưng hiện chỉ có một số doanh nghiệp chú ý đến vấn đề tái chế, sử dụng xỉ gang thép nên còn nhiều dư địa để ngành gang thép cung cấp xỉ cho ngành công nghiệp xi măng phục vụ cho sản xuất.

“Sử dụng xỉ gang thép trong sản xuất xi măng mang lại hiệu quả kép về kinh tế và môi trường. Để sản xuất 1 tấn xi măng với nguyên liệu thông thường sẽ thải ra khoảng 0,8 tấn CO2, nếu dùng xỉ làm nguyên liệu sản xuất xi măng thì chỉ thải ra khoảng 0,3 tấn CO2. Vì vậy, đây là kết quả rất to lớn với môi trường”, ông Nguyễn Văn Sưa nhấn mạnh.

Liên quan tới hiệu quả của việc tái sử dụng xỉ gang thép, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cũng cho rằng, ngành công nghiệp xi măng có thể tận dụng sản phẩm này vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao hiệu quả. Nhưng xỉ hạt lò cao luyện gang thép có độ cứng cao, khó nghiền, chi phí điện năng cao làm tăng giá xi măng.

Ngoài ra, chi phí nghiền và vận chuyển xỉ cao hơn nghiền clinker và phụ gia nên vấn đề là làm sao để có giá xỉ hợp lý thì việc sử dụng xỉ tro mới có hiệu quả. Một số doanh nghiệp xử lý xỉ gang thép còn cho biết, tiêu hao năng lượng trong việc nghiền xỉ lò cao là 42 - 43kWh/tấn, trong khi nghiền xi măng phụ gia với các vật liệu mềm hơn chỉ khoảng 28kWh.

Điều này cho thấy xỉ lò cao rất khó nghiền, thậm chí đối với loại xỉ làm nguội chậm còn không nghiền được. Nhưng có lẻ vướng mắc và khó khăn nhất hiện nay vẫn là cơ chế và hành lang pháp lý cho việc tái chế, sử dụng xỉ gang thép.

“Hiện công ty đã nhận được hợp chuẩn làm cấp phối đường, làm nền; được công nhận là sản phẩm hàng hóa, nhưng khi sử dụng trong nhà máy hoặc chuyển giao ra bên ngoài còn gặp nhiều khó khăn khi mỗi đơn vị chủ quản yêu cầu cung cấp nhiều văn bản pháp lý khác nhau”, đại diện một doanh nghiệp sản xuất gang thép tại Hà Tĩnh nêu vấn đề.

Tiết kiệm tài nguyên

Mặc dù đánh giá còn gặp một số trở ngại trong sử dụng, song theo TS Nguyễn Quang Cung, thời gian tới nhu cầu xỉ lò cao cho sản xuất xi măng có thể đạt tới 20 triệu tấn. Đây là sản phẩm làm nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xi măng. Trong khi đó, sản phẩm xỉ trong ngành sản xuất thép chỉ được coi là sản phẩm phụ.

Vì vậy, ngành sản xuất xi măng có thể tận dụng sản phẩm này để vừa tiết kiệm tài nguyên vừa bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế. Bởi tính đến hết tháng 9-2018, ngành xi măng Việt Nam có 82 dây chuyền sản xuất bằng công nghệ lò quay phương pháp khô. Tổng công suất thiết kế là 99 triệu tấn xi măng.

Phụ gia xi măng cần dùng gồm thạch cao khoảng 5%, còn lại 25% là các loại puzơlan, tro nhiệt điện, đá vôi, đá bazan, xỉ hạt lò cao. Tro bay nhiệt điện có thể sử dụng làm nguyên liệu, phụ gia sản xuất xi măng và phụ gia bê tông.

Để việc tái chế sử dụng xỉ gang thép được thuận lợi, mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế và góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội, các hiệp hội ngành hàng cũng như cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành tiêu chuẩn cơ bản khi đưa xỉ thép vào ứng dụng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm tái chế từ xỉ thép ứng dụng vào các công trình xây dựng thay thế vật liệu tự nhiên, đặc biệt các nhà máy sản xuất xi măng. Bên cạnh đó, hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về lợi ích của vật liệu xỉ thép, tránh hiểu nhầm đây là chất thải hoặc có độc hại với môi trường.

“Mặc dù Nhà nước đã đưa nhiều quy định khuyến khích việc tái sử dụng xỉ gang thép. Tuy nhiên, hành lang pháp lý vẫn chưa được hoàn thiện, hiện chưa có tiêu chuẩn xỉ gang thép, điều này gây khó cho doanh nghiệp. Hơn nữa, chi phí nghiền xỉ còn cao, rất cần có những nghiên cứu về công nghệ", ông Nguyễn Văn Sưa cho biết.

"Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách ứng xử đúng với xỉ gang thép, coi đây là sản phẩm phụ của ngành gang thép để thúc đẩy sử dụng. Quá trình sản xuất, vận chuyển và sử dụng sản phẩm này cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Sưa đề xuất.

Tin cùng chuyên mục