Tắc đường, kẹt xe và tai nạn giao thông gia tăng đã trở thành vấn nạn trên cả nước. Đối với TPHCM, các vấn đề trên ngày càng nghiêm trọng và có nguy cơ kéo lùi sự phát triển của TP. Để giảm tình trạng tắc đường, kẹt xe nhằm mục tiêu an toàn giao thông, chính quyền cần có giải pháp đồng bộ như mở thêm đường, xây dựng ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện…. Nhưng quan trọng hơn, cần sớm đưa các đầu mối giao thông ra khỏi trung tâm TP.
Trong quá khứ, TPHCM vốn là trung tâm chính trị, kinh tế của khu vực miền Nam và cũng là trung tâm sản xuất thiết bị, công cụ sản xuất và hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông trao đổi hàng hóa, các đầu mối giao thông đường không (sân bay Tân Sơn Nhất), đường sắt (ga Sài Gòn), đường bộ (bến xe miền Đông, miền Tây), đường thủy (cảng Sài Gòn) đã được xây dựng, góp phần làm nên sự phồn thịnh cho TPHCM.
TPHCM nay đang chuyển mình hướng đến TP văn minh, hiện đại, với các lĩnh vực ưu tiên phát triển là dịch vụ, du lịch, trung tâm nghiên cứu sáng tạo, sản xuất hàng hóa có hàm lượng chất xám cao. TPHCM không còn là trung tâm sản xuất công cụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng. Những cơ sở sản xuất, nhà xưởng từ quận 3, 5, 11, Tân Bình, Bình Thạnh… đã dịch chuyển ra các khu công nghiệp, khu chế xuất ở vùng ven. Các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An… cũng dần trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa của cả nước nhằm phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu.
Trong khi đó, các đầu mối giao thông sân bay, đường sắt, bến xe, cảng của TPHCM hàng chục năm về trước vốn nằm ở ngoại thành, vùng ven thì nay đã lọt vào trung tâm do quá trình phát triển đô thị. Vì thế, không riêng người dân TP mà người dân, hàng hóa từ các tỉnh đi các nơi khi sử dụng tàu, xe đều phải đi vào trung tâm TP. Đây là nguyên nhân góp phần gây nên cảnh tắc đường, kẹt xe hiện nay.
Các đầu mối giao thông là động lực phát triển sản xuất hàng hóa của TP trong quá khứ nay đã trở thành vật cản phát triển của TP dịch vụ, du lịch. Đường sá ở TPHCM vốn đã quá tải đối với người dân, du khách, thì lượng người từ các tỉnh cần đi máy bay, tàu hỏa, xe khách đổ dồn về trung tâm TP đã tạo áp lực lớn hệ thống hạ tầng TP. Bến xe miền Đông trung bình mỗi ngày có 23.000 lượt người rời bến, lúc cao điểm lên đến 62.000 lượt người, theo đó là số lượt người tương đương về bến; sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm vận chuyển trên 16 triệu người, còn ga Sài Gòn mỗi ngày có chừng 20 đôi tàu đi và về ga.
Để hạn chế nạn tắc đường, kẹt xe, biện pháp tốt nhất là sớm chuyển đầu mối giao thông bến xe, bến tàu ra khỏi trung tâm TP. Hiệu quả của việc chuyển đầu mối giao thông ra khỏi trung tâm TP nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông đã được minh chứng bằng việc di dời hệ thống cảng Sài Gòn. Những năm trước, khi cảng Sài Gòn chưa di dời ra ngoài, các tuyến đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), Tôn Đức Thắng (quận 1)… liên tục ùn tắc, thường xảy ra tai nạn giao thông do xe tải lớn gây nên. TP đã di dời cảng Sài Gòn ra khỏi khu vực trung tâm và theo đó cảnh ùn tắc, tai nạn giao thông trên các tuyến đường này đã giảm hẳn. Và dù cảng Sài Gòn, Tân cảng đã ra vùng ven, các tỉnh lân cận nhưng TPHCM vẫn là trung tâm xuất nhập khẩu của cả nước.
Để góp phần giảm tắc đường, kẹt xe, ngoài việc đẩy nhanh xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt, đường bộ trên cao, chính quyền TPHCM nên quyết tâm đưa các đầu mối giao thông ra khỏi trung tâm.
Kỹ sư TRẦN VĂN THƯỜNG
- Thông tin liên quan:
>> Làm gì để kéo giảm ùn tắc giao thông?
>> Diễn đàn Hưởng ứng năm “An toàn giao thông” - Cần những hành động thiết thực