Từ bài “ĐBSCL sản xuất lúa vụ 3: Cân nhắc được, mất vùng túi lũ”

Sớm đánh giá tác động trên quy mô cấp vùng

Ngày 3-1, Báo SGGP đăng bài: “ĐBSCL sản xuất lúa vụ 3: Cân nhắc được, mất vùng túi lũ”, phản ánh băn khoăn của các nhà khoa học trong việc tiếp tục mở rộng diện tích canh tác lúa vụ 3 trong vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười… Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương về giải pháp phát triển bền vững lúa vụ 3 trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

  • Bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang: Cần đánh giá trên quy mô cấp vùng

Sản xuất vụ 3 có hiệu quả, năng suất cao hơn, giá thành thấp hơn vụ hè thu. Từ năm 2011 tỉnh An Giang quy hoạch 150.000ha nhưng khống chế không nổi. Quy hoạch có vùng xả lũ 3 năm 8 vụ nhưng nông dân không chịu. Chủ trương chung của tỉnh là khuyến khích chuyển đổi sản xuất màu ở các vụ. Tuy nhiên không làm ồ ạt mà tùy theo nhu cầu thị trường (tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Campuchia), khả năng, kinh nghiệm sản xuất, điều kiện hạ tầng từng vùng để phát huy thế mạnh ở những chủng loại rau màu tránh việc cạnh tranh trực tiếp làm giảm khả năng sinh lời của ngành sản xuất.

Một số vấn đề địa lý và tự nhiên, môi trường đặt ra trong việc sản xuất vụ 3 là có thể gây suy thoái đất đai và gây tác hại trong lâu dài, triều cường, sạt lở gây dềnh nước phía Campuchia và ngập lụt ở hạ lưu. Tuy nhiên, chưa có chứng minh rõ ràng khẳng định đất sản xuất ở vùng 3 vụ đang suy thoái, còn hiện tượng triều cường, sạt lở, gây dềnh nước ở Campuchia và hạ lưu không chỉ duy nhất do nguyên nhân sản xuất vụ 3 ở An Giang. Bình quân hàng năm sản xuất vụ 3 khoảng 30% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, song song đó hệ thống kênh thoát lũ ra biển Tây được nạo vét, duy tu đảm bảo tốt công tác thoát nước nên mực nước tăng lên không đáng kể. Có rất nhiều nguyên nhân khác liên quan đến vấn đề địa lý và dòng chảy.

Ngành nông nghiệp rất mong các nhà khoa học nghiên cứu, hiến kế thêm. Đối với lúa vụ 3 ở ĐBSCL cần tính toán, đánh giá đồng bộ trên quy mô cả vùng, nhất là các vấn đề diện tích bao nhiêu là vừa, thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp hạ tầng, quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi...

  • Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp: Không thể bỏ lúa vụ 3

Rõ ràng, không thể bỏ lúa vụ 3 ở Đồng Tháp được. Vấn đề quan trọng là quy hoạch sản xuất lúa vụ 3 ở mức độ chừng mực, hợp lý, khoảng 100.000ha phân bổ ở những vùng đảm bảo ăn chắc, khu vực các huyện phía Bắc 25.000ha, phía Nam 75.000ha. Điều chỉnh lịch thời vụ hợp lý, mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh sản xuất theo chứng nhận Global GAP, Việt GAP, gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ và xuất khẩu.

ĐBSCL là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước nhưng đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp so với nhu cầu, đồng thời cũng là vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ kiến nghị với trung ương: Đầu tư hệ thống đê bao hoàn chỉnh cho vùng sản xuất lúa thu đông ăn chắc, kết hợp với giao thông nông thôn, bố trí tuyến dân cư, góp phần xây dựng nông thôn mới. Khi có hệ thống đê bao hoàn chỉnh, các tỉnh có thể chủ động rút nước sớm khi lũ lớn rút muộn, xuống giống đông xuân dứt điểm trước đầu tháng 12 sẽ đảm bảo các vụ sau xuống giống đúng lịch. Nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, kết hợp bờ bao với giao thông để vận chuyển lúa trong mùa lũ dễ dàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực tiếp mua lúa của nông dân. Nghiên cứu giải pháp chống sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu để ổn định dân cư và bảo vệ sản xuất.

Đặc biệt là nghiên cứu tác động môi trường của 600.000ha lúa vụ 3. Tăng cường đầu tư hệ thống sấy và kho tồn trữ giúp nông dân, doanh nghiệp tạm trữ. Đầu tư nghiên cứu tìm ra các giải pháp giúp đbscl thích ứng biến đổi khí hậu...

  • Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang: Rà soát quy hoạch vụ thu đông

Từ khi có chủ trương của Bộ NN-PTNT về mở rộng diện tích lúa vụ 3, tỉnh Kiên Giang sản xuất rất hiệu quả, thậm chí cao hơn vụ hè thu. Các nhà khoa học nói cho ngập trở lại vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười vào mùa lũ là “bất khả quờn”. Đê khép kín không có tội nhưng quan trọng là chúng ta quản lý, điều tiết thế nào cho sinh lợi, phù hợp, hiệu quả bền vững hơn. Đê bao xây dựng, vận hành tốt góp phần rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển giao thông; xây dựng nông thôn mới...

Chúng tôi kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm rà soát quy hoạch vụ thu đông cho thật hợp lý, đặc biệt vùng đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp điều tiết hệ thống thoát lũ, kiểm soát lũ thống nhất để vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang ít bị ảnh hưởng, thiệt hại khi lũ dồn về do đê bao khép kín. 

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục