Sớm gỡ khó cho doanh nghiệp chế biến lương thực

TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm. 

Cụ thể, UBND TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động đối thoại để trực tiếp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Kế đến, tăng cường kết nối với hệ thống phân phối bán lẻ, chuỗi cửa hàng tiện lợi để phát triển thị phần tiêu thụ trong và ngoài nước. Riêng với những doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất nhưng nội lực vốn yếu cũng sẽ được hỗ trợ kết nối hệ thống ngân hàng để được vay vốn đầu tư.
 
Theo Sở Công thương TPHCM, hiện ngành lương thực, thực phẩm cả nước có 5.515 cơ sở sản xuất, trong đó 1.976 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp trong ngành đã có sự chuyển đổi đầu tư sản xuất theo hướng phát triển thị trường trong nước. Doanh thu bán lẻ các mặt hàng thực phẩm và đồ uống chiếm 17% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn và đạt mức tăng trưởng ngày càng cao trong năm 2018. Thực phẩm, đồ uống hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu), là cơ hội để các doanh nghiệp mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
 
Các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm cũng đã được xúc tiến kết nối đưa hàng vào 2.279 cửa hàng tiện lợi, 4.209 điểm bán bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, TPHCM đã đưa nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống vào danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố giai đoạn 2018-2020 và đang triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp lương thực - thực phẩm TPHCM, cho biết những chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ của thành phố thời gian qua rất có hiệu quả đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải là những quy định về tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm lương thực, thực phẩm, nhất là tiêu chuẩn bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chế biến. Theo quy định này, Bộ Y tế buộc các doanh nghiệp phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm sản xuất và phân phối tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, với thị trường xuất khẩu, hầu hết thị trường các nước không cho phép bổ sung vi chất dinh dưỡng. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư hoặc chuyển đổi thành 2 dây chuyền sản xuất để vừa phục vụ thị trường trong nước vừa cung ứng ra thị trường nước ngoài; gây tốn kém chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Dù hội và các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng về việc cần thiết phải bãi bỏ, điều chỉnh quy định này để tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng đã hơn 2 năm, kiến nghị trên vẫn chưa được xem xét.
 
Đồng thuận với vấn đề này, đại diện Ban quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM, cho biết là đơn vị cũng nhận được rất nhiều kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm trong khu chế xuất, khu công nghiệp về vấn đề này. Ban cũng đã nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị sớm giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
 
Có thể nói, việc cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, đặc biệt nhanh chóng xóa bỏ rào cản chuyên ngành, gây cản trở phát triển của doanh nghiệp là một trong những chỉ đạo rất quyết liệt từ phía Chính phủ. Thế nhưng, ở nhiều bộ ngành, việc thực hiện chỉ đạo trên chưa được quan tâm đúng mức.

Tin cùng chuyên mục