Sớm hiện thực hóa một cách sinh động, hiệu quả Nghị quyết phát triển TPHCM

Theo chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, trước khi bế mạc kỳ họp, chiều 24-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, về nội dung này.

- Phóng viên: Đồng chí có thể nói rõ tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong thời gian tới?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ: Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”.

Qua tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2014/QH14 (Nghị quyết 54) cho thấy, TPHCM đã có những chuyển biến khá tích cực trong việc thực hiện chính sách, cơ chế mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực; là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM

Kết quả trong những năm qua đạt được rất cụ thể: cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, quy mô kinh tế tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt hơn 6.200 USD/người, số thu ngân sách của thành phố chiếm 27% tổng thu ngân sách.

Tuy nhiên, các chính sách hiện hành mà thành phố được áp dụng vẫn chưa thật sự đủ sức đột phá có sức hấp dẫn, mang tầm vóc vượt trội so với các địa phương khác. Vì vậy, để TPHCM “bứt tốc” nhanh hơn và giữ vững vai trò đầu tàu thì việc ban hành một nghị quyết mới ngay thời điểm này là hết sức cần thiết.

- Dự thảo Nghị quyết mới chứa đựng những nội dung quan trọng nào, từ đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hầu hết các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận vừa qua, thưa đồng chí?

- Với sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, TPHCM đã tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Dự thảo Nghị quyết có 44 cơ chế, chính sách, gồm 4 nhóm với 6 vấn đề: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM và TP Thủ Đức.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ giám sát tiến độ dự án nạo vét và xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm tại rạch Lăng (quận Bình Thạnh). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ giám sát tiến độ dự án nạo vét và xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm tại rạch Lăng (quận Bình Thạnh). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Khi thảo luận về dự thảo nghị quyết, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều đồng tình, ủng hộ và thống nhất. Điều đó thể hiện trách nhiệm rất cao và tình cảm rất lớn đối với thành phố mang tên Bác. Thực tế, trong thời gian qua, TPHCM đã hết sức nỗ lực và phấn đấu đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt, đóng góp cho sự phát triển của cả nước, đặc biệt là về kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay thành phố đang có chiều hướng chững lại cả về tốc độ phát triển cũng như đóng góp trong GDP của cả nước; tính đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa cho các vùng xung quanh chưa được phát huy mạnh mẽ. Tình trạng ách tắc giao thông, ngập nước, các vấn đề đầu tư xã hội... chưa được giải quyết một cách triệt để. Đây là những cản trở, thách thức rất lớn đối với TPHCM. Do vậy, việc ban hành một nghị quyết mới là cấp bách để giúp thành phố có cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới đây. Qua đó, thành phố có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cả vùng và cả nước.

- Với chức năng, thẩm quyền của HĐND TPHCM được nêu trong dự thảo Nghị quyết mới, HĐND TPHCM đã chuẩn bị gì để triển khai ngay sau khi Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua?

- TPHCM đã có kế hoạch cụ thể triển khai Nghị quyết mới ngay sau khi được Quốc hội thông qua. HĐND TPHCM sẽ sớm quyết định các vấn đề trên cơ sở các tờ trình của UBND TPHCM và triển khai ngay để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thành phố. Trong đó, dự kiến HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết với khoảng 30 nội dung để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố tại kỳ họp thứ 10 của HĐND TPHCM (dự kiến tổ chức trong tháng 7-2023). Nghị quyết của HĐND TPHCM quy định cụ thể trách nhiệm, thời gian giao nhiệm vụ UBND TPHCM trình để HĐND TPHCM quyết định theo thẩm quyền.

Chẳng hạn, đối với nhóm vấn đề về quản lý đầu tư theo Điều 4 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội: “Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định, khi thành phố có nguồn thu để bố trí tăng chi đầu tư phát triển, HĐND TPHCM sẽ phân bổ vốn cho các dự án và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn số vốn tăng thêm. HĐND TPHCM sẽ quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND TPHCM ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TPHCM thực hiện cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm”. Đây là chính sách cần được UBND TPHCM sớm trình để đảm bảo thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố.

- Là Chủ tịch HĐND TPHCM, đồng chí kỳ vọng gì vào Nghị quyết mới lần này?

- Với vai trò, trách nhiệm của mình, Thường trực HĐND TPHCM sẽ phân công các ban của HĐND TPHCM sớm chủ động, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND TPHCM để trình HĐND TPHCM quyết định các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền. Đồng thời, HĐND TPHCM tăng cường công tác giám sát để Nghị quyết mới nhanh chóng đi vào thực tế cuộc sống của người dân thành phố.

Như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, TPHCM là đô thị đặc biệt, với vị trí và tính chất như vậy, không chỉ là cơ chế đặc thù mà cần phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần phải có cơ chế vượt trước để thành phố thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm những vấn đề mới để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ hoặc đủ nhưng chưa thật chín. Với Nghị quyết lần này khi Quốc hội thông qua, tôi có niềm tin là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM sẽ sớm hiện thực hóa một cách sinh động, hiệu quả quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ vào thực tiễn cuộc sống và để “Thành phố nghĩa tình” luôn và mãi tỏa sáng với các sắc màu tươi mới và ngày càng rực rỡ hơn, mạnh mẽ hơn như mong muốn của tất cả chúng ta.

Với khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố cũng như sự quan tâm lãnh đạo, ủng hộ của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của các ban, bộ, ngành, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nghị quyết sẽ nhanh chóng được triển khai thực hiện, tạo xung lực mới cho thành phố phát triển nhanh hơn, đột phá hơn, bền vững hơn và đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó, xứng đáng với sứ mệnh của mình trong giai đoạn tới đây.

TPHCM mong Chính phủ giám sát và đồng hành, hỗ trợ thành phố; các bộ, ban, ngành và các địa phương sẽ tham gia cùng với thành phố để quá trình triển khai thực hiện nghị quyết đạt được hiệu quả cao nhất cho thành phố và cũng là cho cả nước.

Qua tổng kết Nghị quyết 54 cho thấy, nhiều kết quả tích cực được mang lại thông qua thực hiện những chính sách đặc thù. Đó là tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn; huy động nguồn lực từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án… và nhiều chính sách khác đã phát huy hiệu quả.

Khi tổng kết, đánh giá Nghị quyết 54, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra 3 hạn chế chủ yếu: đó là một số nội dung triển khai chậm; một số cơ chế thực hiện hiệu quả thấp; một số chính sách chưa được quy định cụ thể, phải chờ văn bản hướng dẫn. Có rất nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có và một trong những nguyên nhân chủ quan đó là sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan còn hạn chế. Đây là những kinh nghiệm rất quý báu. Và yếu tố quyết định dẫn đến thành công lần này chính là khâu tổ chức thực hiện.

Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ

Tin cùng chuyên mục