Sonadezi và loài tê giác một sừng

Thật khó tin rằng Sonadezi Long Thành lại tiếp tục xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Khó tin bởi Sonadezi vừa bị báo chí phanh phui, người dân nổi giận khiến cơ quan điều tra phải vào cuộc và xử phạt về hành vi bức tử môi trường. Khó tin bởi Chủ tịch HĐQT của Sonadezi “mẹ” là một đại biểu Quốc hội đang ngồi ở nghị trường để bàn thảo về những vấn đề liên quan đến môi trường sống như chuyện trồng rừng không kịp phá, chuyện “xí” đất đầu tư khu công nghiệp rồi bỏ hoang đang diễn ra khắp nơi…

Nhưng đó là sự thật, một sự thật nhức nhối.

Chỉ một tuần trước đây, những ai yêu thiên nhiên đều bàng hoàng khi nghe tin: Con tê giác một sừng cuối cùng tại Việt Nam đã chết vì bị săn bắn. Thông báo tin đó, bà Trần Minh Hiền, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Việt Nam, đã phải thốt lên: “Thật đau lòng khi những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loài tê giác Java này.

Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam”.

Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an, từ đầu năm đến nay cơ quan này đã điều tra, phát hiện và xử lý hơn 100 vụ vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, số liệu trên chẳng là gì so với thực tế khi mà hàng ngày chúng ta đều phải đọc những tin tức: kiểm lâm bắt tay lâm tặc phá rừng, thâm nhập đường dây vận chuyển động vật quý hiếm, phát hiện doanh nghiệp A, B xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, làng ung thư bên dòng kênh đen…

Theo Nghị định 117/2009 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức xử phạt cao nhất cho một hành vi vi phạm là 500 triệu đồng. Nghị định 117 còn quy định hình thức phạt bổ sung đối với các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm là tước giấy phép hành nghề và các chứng chỉ hành nghề liên quan, buộc khắc phục hậu quả và bồi thường cho các cá nhân và tổ chức bị thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi vi phạm gây ra. Người đứng đầu của tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường còn bị xem xét trách nhiệm cá nhân, bị xử lý hành chính theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Cán bộ, công chức.

Thế nhưng trên thực tế thời gian qua cho thấy, có doanh nghiệp có đến 3 - 4 hành vi vi phạm nhưng không có hành vi nào được áp dụng ở mức cao nhất. Cụ thể, cộng chung cho 3 hành vi vi phạm của Sonadezi Long Thành trong vụ xả thải ra sông Đồng Nai, số tiền phạt cũng chỉ 405 triệu đồng. Với mức phạt này, doanh nghiệp chỉ cần thu phí xả thải của các doanh nghiệp trong 8 ngày là đủ tiền đóng phạt. Còn các hình thức xử phạt bổ sung không được các cơ quan chức năng áp dụng.

Phải khẳng định một điều, ngành công nghiệp không có tội. Chính công nghiệp đã tạo nên sự giàu có cho các quốc gia và ghi dấu ấn cho nền văn minh thứ 2 của loài người sau nền văn minh nông nghiệp. Nhưng thực trạng oái oăm lại diễn ra nghiêm trọng ở đất nước ta: đi đôi với phát triển công nghiệp là phá rừng, phá ruộng; đi đôi với phát triển công nghiệp là ô nhiễm môi trường. Đó là vì lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt mà nhiều người đã bất chấp lợi ích tập thể, lợi ích lâu dài, bền vững của đất nước, của dân tộc. Thậm chí, không ít người được giao nhiệm vụ cầm cân nảy mực còn tiếp tay cho vi phạm.

Ở những nước phát triển, bất cứ doanh nghiệp nào có hành vi hủy hoại môi trường sống đều cầm chắc kết cục bị tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn, thậm chí phá sản vì không đủ tiền bồi thường. Bất cứ hành vi nào tiếp tay cho vi phạm về môi trường cũng bị xử lý nghiêm minh.

Còn ở ta, điều đáng buồn là dù vấn đề bảo vệ môi trường đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay nhiều bất cập vẫn chưa được khắc phục. Nhiều người lo ngại rằng, nếu hành vi phá hoại môi trường kiểu như Vedan, Hào Dương hay Sonadezi… không sớm bị quy vào loại tội phạm “hủy hoại môi trường sống” và nhận những hình phạt nghiêm khắc nhất, thì chẳng mấy chốc, “làng ung thư” sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi trên đất nước ta và chẳng biết còn có loài nào thoát khỏi số phận như loài tê giác một sừng?

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục