Đã bao đời nay, dòng sông Ba hiền hòa là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai, cũng là nơi mưu sinh của nhiều người làm nghề đánh bắt cá. Tuy nhiên, hiện nay con sông đã dần cạn nước và bị ô nhiễm nặng.
Sông Ba còn gọi là sông Đà Rằng (theo tiếng Chăm cổ tức là con sông lau sậy) được bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Linh, phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum. Đây là một trong hai con sông lớn nhất Tây Nguyên có lưu vực rộng tới 13.000km². Sông Ba không chỉ gắn liền với văn hóa bao đời của người Kinh, Ba Na, Ja Rai…, mà còn là nguồn sống của hàng triệu người dân xung quanh, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và nguồn nước phục vụ sản xuất cho nhiều địa phương ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai và các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên.
Giá trị lớn lao là thế, song hiện nay, con sông Ba đã dần cạn nước và bị ô nhiễm nặng. Những ngày này, đi qua thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có dòng sông Ba chảy qua, ai cũng phải bịt mũi vì không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên vì ô nhiễm. Đó là kết quả từ việc nhiều năm nay, dòng sông Ba trở thành nơi hứng chịu nước thải công nghiệp tại các nhà máy tuyển quặng, mía đường, mì, nhà máy ván sợi ép MDF...
Sau nhiều ngày mật phục, vào ngày 15-1-2011, Công an thị xã An Khê cùng với ngành chức năng đã bắt quả tang Nhà máy ván sợi ép MDF Gia Lai (gọi tắt là Nhà máy MDF, có địa chỉ tại xã Song An, thị xã An Khê) xả thải ra sông. Kết quả giám định cho thấy, hầu hết các thông số nước thải của Nhà máy MDF đều vượt quá mức cho phép, trong đó có những thông số vượt từ 200% đến 300% so với quy định.
Một nguyên nhân khác cũng gây nên tình trạng ô nhiễm sông Ba là người dân vứt rác và xác gia súc ra sông. Từ khi thủy điện An Khê - Ka Nak chặn dòng, mực nước trên sông Ba xuống thấp, dòng chảy ứ đọng nước không đẩy trôi các chất cặn bã, làm cho vấn nạn ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện tại, khoảng 2.500 hộ dân ở đây dùng nước máy bị ảnh hưởng từ dòng sông Ba, không biết tương lai cuộc sống, sinh hoạt của người dân thị xã An Khê sẽ ra sao?
Trước tình hình trên, UBND thị xã An Khê đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế để có biện pháp xử lý kịp thời. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều nguyên nhân làm cho dòng sông bị bức tử. Trong đó, nguyên nhân chính do công trình thủy điện An Khê – Ka Nak cơ bản hoàn thành, chặn dòng tích nước trên đầu nguồn sông Ba đoạn qua huyện Kbang, làm cho lưu lượng nước chảy về địa phận thị xã An Khê hầu như không còn nữa. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài khiến cho mực nước sông giảm đi rất nhiều. Đến thời điểm này, nước sông Ba đã cạn kiệt cản trở sự lưu thông của dòng nước, dẫn đến mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vòng 10 năm qua, sông Ba đã nhiều lần bị các nhà máy trên địa bàn thị xã An Khê tranh thủ xả nước thải trực tiếp xuống dòng sông. Mặc dù cơ quan chức năng đã xử phạt hàng chục triệu đồng với các sai phạm trên, nhưng hình như “thuốc” vẫn chưa đủ liều để chữa trị căn bệnh kinh niên. Đó là câu chuyện của những năm về trước, khi sông Ba còn đầy nước từ thượng nguồn chảy về. Còn nay, lưu lượng nước chảy về địa phận An Khê hầu như không còn nữa, đã khiến cho tình hình ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: Hiện nay, vấn đề ô nhiễm nguồn nước và không khí từ sông Ba đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng tại địa phương. Nếu các cơ quan chức năng không xử lý rốt ráo vụ việc, chắc chắn hàng ngàn hộ gia đình ở thị xã An Khê phải trở lại việc đào giếng để lấy nước sinh hoạt.
ĐỨC TRUNG