Sống chung với... kiện

LTS: Tính từ vụ việc đầu tiên đến nay, đã có hơn 50 vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ở hơn 15 thị trường, trong đó hàng hóa Việt Nam đã bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá 29 vụ việc. Đây là một trong những thách thức luôn song hành với quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế mà doanh nghiệp cần chủ động đối phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Sống chung với... kiện

LTS: Tính từ vụ việc đầu tiên đến nay, đã có hơn 50 vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ở hơn 15 thị trường, trong đó hàng hóa Việt Nam đã bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá 29 vụ việc. Đây là một trong những thách thức luôn song hành với quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế mà doanh nghiệp cần chủ động đối phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.

        Thiệt hại gần, thiệt hại xa

"Xu hướng kiện phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng là việc không tránh khỏi, nhưng cũng là hoạt động bình thường trong hợp tác thương mại. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động thích nghi, đối mặt với các vụ kiện và tìm cách để ứng phó. Doanh nghiệp cần chủ động theo dõi để có điều chỉnh phù hợp khi xuất khẩu, không nên bán sản phẩm dưới giá thành và cạnh tranh không lành mạnh; đảm bảo uy tín, chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, các tập đoàn lớn cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, trang bị kiến thức chuyên sâu về các vấn đề phòng vệ thương mại để khi có những vấn đề liên quan sẽ có cơ sở ứng phó tốt hơn"

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

Đó có thể là những thiệt hại trực tiếp: biện pháp chống bán phá giá (thường là một mức thuế bổ sung bên cạnh thuế nhập khẩu thông thường) khiến cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh, ít nhất là về giá.

Tất nhiên, về mặt pháp lý, nhà nhập khẩu mới là người phải trả thuế này. Dù vậy, chúng ta đều biết rằng mọi loại thuế đều sẽ được chuyển vào giá của sản phẩm và thực tế người bán Việt Nam sẽ phải chấp nhận bán sản phẩm với giá đã tính tới các loại thuế này cho khách hàng. Giá thực vì thế cao hơn, thậm chí quá cao, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thể xuất hàng vào thị trường liên quan.

Hơn nữa, các loại thuế bổ sung này lại thường không ổn định do các thủ tục xem xét lại mức thuế hàng năm. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam càng khó khăn hơn trong việc giữ khách hàng cũ hay tìm kiếm đơn hàng mới ở các thị trường liên quan. Bài toán lợi ích sẽ khiến các khách hàng nước ngoài tìm kiếm những nguồn cung rẻ hơn, ví dụ những nguồn cung không bị áp thuế chống bán phá giá.

Tuy nhiên, những thiệt hại gián tiếp, ít được nói tới hơn, cũng không kém phần nghiêm trọng. Đó là việc mất đơn hàng ngay từ khi có thông tin bước đầu về vụ kiện hay đang trong quá trình điều tra, chưa có kết quả cuối cùng. Điều này cũng dễ hiểu: khách hàng nước ngoài thường tránh những “khu vực rủi ro về giá”, bất luận rủi ro đó do lỗi của ai hay sẽ dẫn tới đâu.

Đó còn là chi phí mà doanh nghiệp và đôi khi cả ngành hàng phải bỏ ra để theo đuổi quá trình kháng kiện. Ví dụ, chỉ tính chi phí luật sư, ở cấp độ biện hộ cho cả ngành, chưa tính chi phí của luật sư cho từng doanh nghiệp, vụ cá tra - basa ở Hoa Kỳ khởi xướng năm 2002 là khoảng 500.000 USD; chi phí vụ tôm nước ấm cũng ở thị trường này năm 2005 đã là 2 triệu USD.

Cần nhấn mạnh, thuế chống bán phá giá áp dụng với tất cả các sản phẩm liên quan xuất sang thị trường liên quan (tất nhiên với mức khác nhau, tùy thuộc vào mức áp cho từng nhà xuất khẩu). Vì thế, những thiệt hại vừa kể không phải của một doanh nghiệp mà là của tất cả các doanh nghiệp liên quan. Hơn thế nữa, những ngành bị vướng phải các vụ kiện này có cả những ngành lớn như thủy sản, dệt may…

        Đối tác lớn, nỗi lo lớn

Là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, lại là nước tiến hành điều tra chống bán phá giá lớn thứ hai thế giới (461 vụ trong giai đoạn 1995 - 2012), không có gì ngạc nhiên khi Hoa Kỳ là thị trường đứng đầu về việc khởi kiện chống bán phá giá với các sản phẩm Việt Nam tính tới nay.

So với các nước khác, Việt Nam bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong các điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ (cho tới hết năm 2018). Vì vậy, các tính toán về phá giá trong quá trình điều tra sẽ không dựa trên chi phí thực của doanh nghiệp mà là số liệu thay thế lấy từ một nước thứ ba nào đó. Nguy cơ bị kết luận phá giá và biên độ phá giá trong các vụ điều tra, do đó sẽ cao hơn bình thường. Đây là một trong nhiều lý do khiến các nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ kiện doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn.

Chế biến tôm xuất khẩu tại TPHCM. Ảnh: Cao Minh

Chế biến tôm xuất khẩu tại TPHCM. Ảnh: Cao Minh

Ngay cả khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nguy cơ bị kiện của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cũng chưa chắc sẽ giảm bớt. Theo những thông tin cập nhật mới nhất, nội dung đàm phán TPP hiện nay chỉ xoay quanh việc tăng minh bạch và thúc đẩy thủ tục kiện nhanh hơn, không quy định nào có thể giúp hạn chế việc đi kiện hay hạn chế áp dụng biện pháp thuế (ví dụ hạn chế các trường hợp có thể kiện hay bổ sung các điều kiện phải đáp ứng để có thể áp thuế).

Về nguyên tắc thì Việt Nam có thể đưa các yêu cầu này vào nội dung đàm phán. Nhưng trên thực tế khả năng này thấp, bởi hiện chưa có thông tin nào về việc Việt Nam đã đưa ra yêu cầu như vậy từ khi bắt đầu đàm phán TPP. Hơn nữa, ngay cả khi Việt Nam có đưa ra khả năng “đòi” được cũng không cao do Hoa Kỳ và các nước TPP chưa chấp nhận quy định nào như vậy trong các FTA mà các nước này đã ký trước đây.

Doanh nghiệp Việt Nam có lẽ phải chấp nhận thực tế rằng, kiện chống bán phá giá nói riêng hay kiện phòng vệ thương mại nói chung, bao gồm cả kiện chống trợ cấp và kiện tự vệ là một loại “rào cản” phổ biến trong thương mại quốc tế, mà đặc biệt với Hoa Kỳ. Và cách thức đối phó duy nhất là phải “sống chung với lũ”, sẵn sàng phòng tránh và kháng kiện khi cần thiết.

        “Sống chung” với... kiện như thế nào?

Một là phải theo dõi chặt chẽ động thái của các nhà sản xuất nội địa nước xuất khẩu. Thường thì khi sức cạnh tranh giảm sút, kinh doanh khó khăn, người ta hay nghĩ tới chiến lược đi kiện hòng chặn hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Để kiện được, họ cần quá trình chuẩn bị khá lâu và cũng sẽ có những động thái chuẩn bị dư luận, như với cá tra - basa là nói xấu chất lượng cá Việt Nam, hay ống thép OCTG cũng đã có thông tin về đơn kiện trước cả tháng. Mình biết trước thì hoặc là lên kế hoạch thương lượng với ngành sản xuất nội địa như cách mà một số nước làm để họ không đưa mình vào danh sách kiện, hoặc chuẩn bị trước mọi việc để kháng kiện hiệu quả. Hai là phải sẵn sàng cho việc chứng minh bảo vệ chính mình.

Cụ thể, doanh nghiệp phải có sự cải cách, chuẩn hóa hệ thống kế toán, dữ liệu sản xuất kinh doanh. Điều này rất quan trọng, bởi khi vướng vào các vụ kiện, chỉ những dữ liệu đạt chuẩn mới có thể được sử dụng để chứng minh cho việc doanh nghiệp không phá giá.

Nhưng đó là khi chưa xảy ra vụ kiện. Còn khi đã xảy ra rồi, quan trọng nhất là doanh nghiệp, hiệp hội liên quan phải tập hợp lại, thảo luận cách thức kháng kiện phù hợp tùy mặt hàng, tùy triển vọng thương mại tại từng thị trường mà có cách thức kháng kiện khác nhau - hoặc chỉ tham gia vừa phải, hoặc phải tham gia tích cực tối đa. Khi đã quyết định kháng kiện tới cùng thì cần phải coi đây là một phần công việc của hoạt động kinh doanh và phải có sự đầu tư nhân lực, vật lực cho việc này. Cần có các luật sư, chuyên gia tư vấn cụ thể cho doanh nghiệp cũng như cho cả ngành.

Về phía nhà nước, vai trò của nhà nước trong các vụ kiện chống bán phá giá về mặt nguyên tắc là không lớn, ngoài vai trò chính thức trong việc chứng minh Việt Nam không phải nền kinh tế phi thị trường. Tuy nhiên, do doanh nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế về năng lực kháng kiện, khả năng tiếp cận thông tin chính thức phục vụ cho việc kháng kiện cũng thấp nên sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong một số việc cụ thể, đặc biệt liên quan tới thông tin, là rất quan trọng.

Một số vụ việc chống bán phá giá tiêu biểu gần đây

* Trung tuần tháng 8-2013, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định áp thuế chống trợ cấp với tôm nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có tôm của Việt Nam. Hiện 600.000 nông dân nuôi tôm cùng hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đang chờ đợi phán quyết tiếp theo của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ về việc có hay không áp thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam.

* Ngày 23-7-2013, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ Việt Nam. Giai đoạn điều tra được thực hiện từ 1-1-2013 – 30-6-2013 với biên độ phá giá bị cáo buộc 103,43% - 111,47%. Chưa có kết luận hay biện pháp thuế nào được áp đặt.

* Ngày 15-3-2013, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp mức thuế chống phá giá rất cao đối với các sản phẩm cá tra, basa filet nhập khẩu từ Việt Nam trong đợt xem xét hành chính thường niên lần thứ 8. Công ty bị áp thuế cao nhất là Anvifish với mức 1,34 USD/kg, tương đương với 30.000 đồng Việt Nam, cao hơn 70 lần so với mức thuế cũ, trong khi các công ty khác chịu áp mức thuế từ 0,77 cent so với 0% trong đợt xem xét hành chính lần trước.

TS NGUYỄN THU TRANG
(Giám đốc Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp VN)

Tin cùng chuyên mục