Sống là cho và chết cũng là cho…

Tôi xin mượn câu thơ cuối bài thơ Tạm biệt của Tố Hữu: Xin tạm biệt đời yêu quý nhất/ Còn mấy vần thơ, một nắm tro/ Thơ gửi bạn đường, tro bón đất/ Sống là cho và chết cũng là cho làm nhan đề cho bài viết về những con người luôn ý thức hướng về cộng đồng, sống có ích cho đời, kể cả đến sau khi chết…
Sống là cho và chết cũng là cho…

Tôi xin mượn câu thơ cuối bài thơ Tạm biệt của Tố Hữu: Xin tạm biệt đời yêu quý nhất/ Còn mấy vần thơ, một nắm tro/ Thơ gửi bạn đường, tro bón đất/ Sống là cho và chết cũng là cho làm nhan đề cho bài viết về những con người luôn ý thức hướng về cộng đồng, sống có ích cho đời, kể cả đến sau khi chết…

Cụ Hoàng Thị Thanh Huyền, 94 tuổi, trong một lần đóng góp ủng hộ quỹ từ thiện của Báo SGGP

1. Sáng 30-1-2016, cô Thọ đến tòa soạn Báo SGGP rất sớm. Giọng cô buồn bã báo tin, mẹ cô (cụ bà Hoàng Thị Thanh Huyền, 94 tuổi) vừa qua đời. Nghe nhắc đến tên cụ Huyền, anh em công tác ở bộ phận tiếp nhận từ thiện của báo đều rất quen thuộc. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng cứ khoảng đôi ba tháng, cụ lại cùng con gái (nhà ở phường 1, quận 3, TPHCM) đón xe buýt đến tòa soạn báo đóng góp giúp người nghèo. Lần nào cũng vậy, sau khi đóng góp tiền cho quỹ từ thiện, cụ không quên ngâm vài bài thơ tặng chúng tôi rồi mới về. Giọng ngâm của cụ thật hay, nhất là khi ngâm thơ Kiều.

Cầm trên tay tờ di chúc của mẹ, cô Thọ nói bà để nó ở đầu giường. Trong di chúc bà cụ dành số tiền 700 triệu đồng cho riêng mình cô Thọ. Sau khi mẹ mất, cô Thọ gọi mấy anh em lại, công khai số tiền trên cho mọi người biết. Rồi cô nói lên ước nguyện của mình là muốn sống như ước nguyện của mẹ, luôn cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời nghèo khó để giúp đỡ họ. Vì thế, cô sẽ dành hết số tiền này vào công việc từ thiện. Rất vui là mọi người đều ủng hộ tấm lòng của cô. Đã vậy, anh em còn góp thêm tiền để cùng cô giúp người bất hạnh trong xã hội.

2. Thực hiện ý nguyện của gia đình, chiều 13-8-2014, bà quả phụ Nguyễn Thị Chức (phu nhân đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, từ trần ngày 4-8-2014) cùng gia đình đã đến Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, thông báo dành toàn bộ số tiền phúng viếng 1,25 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện; trong đó, gia đình dành 300 triệu đồng gửi đến Ban liên lạc Cựu tù chính trị - tù binh TPHCM để giúp các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, 300 triệu đồng gửi chăm lo cho các gia đình cựu cán bộ tuyên giáo khó khăn, 250 triệu đồng gửi tỉnh Quảng Trị (quê hương đồng chí Trần Trọng Tân) để xây nhà tình thương và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, 100 triệu đồng xây nhà tình thương cho người nghèo tại quận Tân Bình, 150 triệu đồng xây cầu nông thôn ở tỉnh Đồng Tháp. Gia đình còn dành 100 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà các gia đình cơ sở cách mạng đã nuôi giấu đồng chí Trần Trọng Tân trong thời gian hoạt động. Dành 50 triệu đồng cho các cán bộ, nhân viên giúp việc trực tiếp đồng chí Trần Trọng Tân trong các thời kỳ đang có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều người biết lúc sinh thời đồng chí Trần Trọng Tân luôn giữ lòng son trước mọi thử thách, sống hết sức nghĩa tình với bạn bè, đồng chí. Ông luôn dạy con ý thức sống tự lập, không lệ thuộc vào cha mẹ. Và các con cháu luôn tự hào về ông, noi gương ông.

Nghĩa cử của gia đình đồng chí Trần Trọng Tân đã tạo nhiều suy nghĩ cho chúng ta về cách đối nhân xử thế, cách sống sao cho vẹn một kiếp người. Nhiều người quan niệm chết là hết. Nhưng giờ đây, đằng sau sự ra đi thanh thản của họ còn vẳng lại câu thơ Sống là cho và chết cũng là cho.

3. Câu chuyện về ông Phạm Văn Bên, 67 tuổi, chủ doanh nghiệp tư nhân Cỏ May ở tỉnh Đồng Tháp, mấy chục năm qua gắn bó với việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam càng làm sáng hơn chân giá trị của lòng nhân ái. Trước khi qua đời, ông đã bỏ ra 40 tỷ đồng xây nơi ở miễn phí cho sinh viên; thành lập ban tang lễ cho chính mình để gia đình đón tiếp chu đáo khách viếng thăm và dành không ít tiền tiếp tục tặng học bổng cho trẻ nghèo ham học.

Gia đình cho biết, ban đầu ông Bên tính xây một viện dưỡng lão cho người già neo đơn, nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định dành 40 tỷ đồng làm chỗ ở cho sinh viên nghèo. Khi có ý tưởng, ông đã gác công việc của một chủ doanh nghiệp để tìm kiếm lô đất thích hợp xây dựng ký túc xá. May mắn đến với ông khi Đại học Nông lâm TPHCM ủng hộ nhiệt tình, trích quỹ đất tại quận Thủ Đức dành cho công trình ký túc xá Cỏ May. Theo dự án được duyệt, ký túc xá có 54 phòng ở, 3 phòng tự học cùng hội trường sinh hoạt chung cho 432 sinh viên.

“Mấy ai trong đời làm được những chuyện như vậy? Chắc là có, nhưng chắc là hiếm lắm! Thực hiện được ước mơ cháy bỏng cả cuộc đời mình bằng tấm lòng thiện nguyện, trong sáng, chắc anh đã trải qua nhiều đêm trăn trở, dằn vặt giữa cái riêng và cái chung, giữa gia đình và xã hội, giữa hiện tại và tương lai” - ngày ông Bên mất, một người bạn là Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh miền Tây, đang đi công tác Hà Nội, chưa thể về thăm nên viết bức thư gửi cho gia đình ông Bên với những lời đầy xúc động và kính trọng như vậy.

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục