Từ việc đam mê đờn ca tài tử và nhạc cụ dân tộc, nhiều bạn trẻ trong Câu lạc bộ (CLB) Làn điệu quê hương đã góp phần làm sống lại bộ môn nghệ thuật truyền thống gần như bị lãng quên trong giới trẻ…
Sân khấu là những tiệm ăn, quán cà phê, lớn hơn là tại những lễ hội... và cát-sê nhiều khi chỉ đủ cho chi phí đi lại hoặc khá hơn chỉ đủ tiền cho CLB sinh hoạt. Thế nhưng, chỉ cần được khán giả ủng hộ, vỗ tay là các bạn trẻ trong CLB Làn điệu quê hương lại có thêm tình yêu với đờn ca tài tử. CLB quy tụ 25 thành viên, tuổi từ 18 tới 24. Mỗi người một quê, ngành nghề khác nhau, song họ có chung tình yêu với đờn ca tài tử. Mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng các thành viên vẫn sắp xếp thời gian để duy trì hoạt động của CLB. Cứ 8 giờ tối tại hội trường của Trường Đại học Cần Thơ lại vang lên tiếng đàn, hát say sưa của các thành viên trong CLB.
Các bạn trẻ ở CLB Làn điệu quê hương trong một buổi biểu diễn
Nhạc cụ chính của CLB là đàn tranh và guitar. Các thành viên tham gia tự trang bị nhạc cụ. Có loại chỉ 2 - 3 triệu đồng, nhưng cũng có nhạc cụ tới 4 - 5 triệu đồng, số tiền này với sinh viên hẳn không phải nhỏ. Ban đầu, các bạn trẻ trong CLB chỉ hát đờn ca tài tử. Sau nhiều lần đi diễn, thấy khán giả yêu cầu hát cải lương nên tập thêm một vài trích đoạn cải lương để phục vụ…
Lê Ngọc Thúy, giọng ca “mùi” nhất của CLB, tâm sự: “Mỗi lần diễn được khán giả vỗ tay nhiệt tình khiến tôi vô cùng phấn khởi, tự tin. Ấn tượng nhất là lần diễn tại lễ hội bánh dân gian Nam bộ vừa qua tại TP Cần Thơ, thu hút rất đông du khách đến xem. Nhiều khán giả không khỏi xúc động khi xem xong vở diễn. Khi hát xong, khán giả còn tới chụp ảnh lưu niệm và xin số điện thoại… Những lần như thế, tình yêu với cải lương cứ lớn dần trong tôi”.
Còn Trương Tài Linh, người chơi đàn kỳ cựu, đồng thời là chủ nhiệm CLB Làn điệu quê hương, bộc bạch: “Bản thân tôi đã ra trường nhưng vẫn luôn trăn trở làm sao để duy trì và phát triển CLB. Nhiều khi tiền đi diễn không đủ chi phí sinh hoạt CLB, thế là tôi và một số bạn phải bỏ tiền túi để duy trì hoạt động, bởi trong CLB còn nhiều bạn hiện là sinh viên, thậm chí nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn…”.
Trương Tài Linh cho biết anh yêu thích đờn ca tài tử và nhạc cụ dân tộc từ nhỏ nhưng gia đình không đồng ý cho ca hát vì sợ ảnh hưởng tới việc học. Thế nhưng vì niềm đam mê nên Linh giấu bố mẹ để đi sinh hoạt cùng CLB. Nhiều lần, Linh về quê biểu diễn khi có hội hè và được mọi người khen, từ đó bố mẹ bắt đầu ủng hộ Linh theo con đường này.
Hiện tại, Trương Tài Linh và một số thành viên trong CLB còn chọn đàn tranh để khởi nghiệp. Linh tự mở trung tâm dạy đàn tranh để vừa có thêm thu nhập, duy trì cuộc sống vừa thỏa đam mê của bản thân. Sắp tới Linh và các bạn trong CLB cũng muốn mở lớp dạy đàn tranh miễn phí tại các trường tiểu học. Tuy nhiên, do thiếu thốn về vật chất nên CLB chưa thể thực hiện được dự định lúc này và đang rất cần các mạnh thường quân hỗ trợ.
Mong ước của CLB là được đi diễn nhiều hơn nữa để thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia. Vì chỉ có như vậy mới góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng để khẳng định, giới trẻ vẫn mặn mà với đờn ca tài tử.
THANH THANH