Sống lại nghề dệt zèng

Giữ gìn văn hóa truyền thống
Sống lại nghề dệt zèng

Những năm gần đây, chính quyền huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên-Huế, đã nỗ lực giúp người dân phát triển nghề dệt zèng truyền thống. Đây không chỉ là hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống mà còn giúp nhiều gia đình đồng bào dân tộc trên địa bàn thoát nghèo.

Chị Mai Thị Hợp (phải) dạy nghề dệt zèng cho chị em trẻ.

Chị Mai Thị Hợp (phải) dạy nghề dệt zèng cho chị em trẻ.

Giữ gìn văn hóa truyền thống

Đến A Lưới hôm nay, chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về người phụ nữ Tà Ôi, người có công mang nghề dệt zèng truyền thống trở lại với đồng bào A Lưới. Đó là chị Mai Thị Hợp. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất A Lưới khô cằn và đầy bom đạn sau chiến tranh, cũng như bao người con gái Tà Ôi khác, từ nhỏ, chị đã được mẹ mình truyền cho nghệ dệt thổ cẩm truyền thống.

Nhưng từ bao đời nay, với người Tà Ôi cũng như một số dân tộc khác, nghề dệt thổ cẩm (dệt zèng) chỉ nhằm phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình hay mang đi đổi nhu yếu phẩm của người dân trong bản làng mà thôi.

Chị nghĩ: “Sao người Tà Ôi mình có nghề dệt thổ cẩm truyền thống rất đẹp mà cứ cam chịu mãi trong đói nghèo?”. Ý tưởng khôi phục lại nghề dệt zèng được nung nấu từ đó. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ đã bỏ nghề dệt zèng từ lâu, lớp trẻ thì nhiều người không biết. Vì vậy, muốn khôi phục nghề, điều đầu tiên phải tập hợp những người tay nghề cao, sau đó dạy nghề cho những người chưa bết. Khổ nỗi ở A Lưới chỉ có người Tà Ôi biết dệt zèng. Để tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ các dân tộc khác, phải tìm cách truyền nghề cho họ.

Chị Hợp tâm sự: “Buổi đầu, nghe mình đưa ra ý định, gia đình phản đối kịch liệt. Mẹ mình bảo, luật tục từ ngàn đời nay thế rồi, nghề thổ cẩm Tà Ôi không truyền cho ai khác. Nay con phá luật, Giàng sẽ phạt đó!”. Nhưng rồi với những lý lẽ, nếu không truyền nghề cho bà con các bản khác thì vải thổ cẩm mình sẽ không một ai biết đến, mai này sẽ không còn ai dệt thổ cẩm nữa và mẹ chị đã đồng ý.

Thế là Mai Thị Hợp đến các bản làng vận động bà con người Cơ Tu, Pa Hi, Pa Kô tham gia và dạy nghề thổ cẩm cho họ. Năm 2004, chị Hợp thành lập xưởng dệt thổ cẩm tại thị trấn A Lưới. Ban đầu chỉ có 5 người, đến nay đã có 40 chị em tham gia. Thu nhập bình quân mỗi người 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng. Với phụ nữ vùng cao, đây là khoản thu nhập đáng kể.

Giúp dân thoát nghèo

Hiện nay, nghề dệt zèng ở huyện miền núi A Lưới tạo công ăn việc làm cho nhiều người và giúp họ thoát nghèo. Chị Mai Thị Tăng ở thôn A Tin, xã A Đớt dệt zèng đã hơn hai năm nay, tâm sự: “Lúc đầu mình không biết dệt mẹ mình đã bỏ nghề từ rất lâu. Nhưng khi thấy nhiều nhà trong thôn phát triển nghề này nên mình được mẹ dạy nghề, rồi hai mẹ con cùng làm”.

Cũng như gia đình chị Tăng, nghề dệt zèng của người Tà Ôi được đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hi trên địa bàn huyện học hỏi và phát triển. Chị Hồ Thị Loan, người dân tộc Cơ Tu ở xã A Phú Vinh cho biết, việc học hỏi nghề dệt zèng của người Tà Ôi đã giúp nhiều người trong gia đình chị giải quyết việc làm. “Dù chủ yếu dệt lúc nhàn rỗi nhưng mỗi tháng cũng đem lại cho gia đình mình thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng ổn định”. Ngoài phát triển nghề dệt zèng ở hầu khắp các hộ gia đình, hiện ở A Lưới đã có 3 tổ hợp dệt được thành lập ở các xã Phú Vinh, A Đớt và thị trấn A Lưới.

Theo chị Mai Thị Hợp, sở dĩ sản phẩm thổ cẩm của A Lưới được tiêu thụ mạnh là nhờ chất lượng tốt và thể hiện tính sáng tạo rất cao. Thổ cẩm thường được người làm gắn các họa tiết mang dáng dấp truyền thuyết và điểm xuyến thêm các gam màu đỏ, trắng, vàng, đen, xanh lá cây... Tính nghệ thuật cao cộng với hình thức phù hợp với người tiêu dùng nên zèng A Lưới được du khách và đồng bào các dân tộc thiểu số khác ưa chuộng. Ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến huyện miền núi A Lưới để được tận mắt nhìn thấy những công đoạn dệt zèng và mua sản phẩm của người dân nơi đây.

Ông Hồ Văn Ngoan, Trưởng Phòng VHTT huyện A Lưới, cho biết, phòng luôn tuyên truyền, vận động các hộ gia đình giữ gìn và phát triển nghề dệt zèng và đang tiến tới xây dựng đề án bảo tồn hoa văn trên thổ cẩm này. Huyện A Lưới cũng đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật, sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu thị trường hàng hóa cho những người làm nghề dệt zèng.

Phan Lê

Tin cùng chuyên mục