Sống lại những mảnh đời bất hạnh

Nhiều mảnh đời bất hạnh tưởng chừng sẽ mãi cam chịu cảnh nghèo và bệnh tật, đã dần gượng dậy, dần lấy lại niềm tin tự lo cuộc sống, từ sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. Trong đó, có rất nhiều tấm lòng nhân ái của bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng…
Sống lại những mảnh đời bất hạnh

Nhiều mảnh đời bất hạnh tưởng chừng sẽ mãi cam chịu cảnh nghèo và bệnh tật, đã dần gượng dậy, dần lấy lại niềm tin tự lo cuộc sống, từ sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. Trong đó, có rất nhiều tấm lòng nhân ái của bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng…

Gặp lại Nguyễn Ngọc Túy (quê ở xã Hành Đức, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) tại Khoa Bỏng Bệnh viện Đà Nẵng, chúng tôi mừng anh đã vượt qua nạn lớn và sức khỏe đang dần hồi phục. Bởi gần một năm trước, anh Túy với cơ thể bị phỏng 70%, tưởng sẽ không sống được vì lúc đó hầu hết các phần thịt đều hoại tử, lại bị kẻ xấu lấy cắp hết tiền định đóng viện phí ca mổ. Trong cơn nguy kịch ấy, anh Túy đã nhận được sự góp sức của bạn đọc Báo SGGP qua bài viết Chồng bị phỏng nặng, vợ bị móc túi mất hết tiền vay chữa bệnh, trang Nhịp cầu nhân ái ngày 12-10-2015.

Từ sự chung giúp thiết thực và kịp thời, ca mổ năm đó đã thành công, anh Túy đã sống và điều trị tích cực đến khi trở về quê an dưỡng. Ngày 28-7-2016, anh Túy trở lại Bệnh viện Đà Nẵng kiểm tra các vết phỏng và mổ kéo gân tay. Khác với vẻ tuyệt vọng khi còn nằm bất động trước kia vì phỏng nặng, nay anh Túy dần tự tin hơn, vừa xoa các vết phỏng vừa nói: “Nếu khi đó không có số tiền gần 23 triệu đồng của bạn đọc Báo SGGP giúp, thì mấy vết phỏng nặng này chưa chắc đã lành lại và tui còn sống đến hôm nay. Tui biết ơn các nhà hảo tâm nhiều lắm”.

Anh Nguyễn Ngọc Túy

Mới đây, chúng tôi cùng chị Đặng Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Điện An (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), đến thăm và tiếp tục trao 6 triệu đồng bạn đọc Báo SGGP giúp cụ Trần Thị Buội (đợt 2), nhân vật bài viết Mẹ già yếu nuôi 2 con tâm thần, trang Nhịp cầu nhân ái ngày 3-6-2016. Gian nhà tuềnh toàng, tối tăm trước đây của cụ Buội và 2 con trai tâm thần nay đã sáng sủa hơn, có thêm quạt điện và một số lương thực, nhu yếu phẩm... Từ 11,4 triệu đồng bạn đọc Báo SGGP giúp đợt 1, cụ Buội gửi tiết kiệm một phần và dành mua thuốc, chi tiêu hàng ngày. Cụ Buội nghẹn ngào: “Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, nay còn được nhiều người giúp, tui rất cảm ơn. Ba mẹ con có thuốc uống, có gạo ăn, không đói nữa rồi…”.

Gia đình cụ Trần Thị Buội

Trở lại thôn Cẩm Đồng, xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), chúng tôi mang 9,1 triệu đồng và quà của bạn đọc Báo SGGP gửi tận tay gia đình anh Huỳnh Dũng, nhân vật bài viết Gia đình nghèo lại lắm tai ương trang Nhịp cầu nhân ái ngày 30-6-2016. Lần gặp này, những giọt nước mắt cam chịu số phận cùng cực đã không còn nữa, thay vào đó là nụ cười của hạnh phúc và niềm tin. Cầm số tiền bạn đọc Báo SGGP giúp, anh Dũng rất vui mừng: “Tôi còn tưởng mình đang mơ chứ không dám nghĩ gia đình mình được chia sẻ giúp đỡ nhiều đến thế. Vợ chồng tôi bây giờ ốm đau và hầu như không còn sức làm việc nặng. Nay với số tiền này tôi sẽ dùng chữa bệnh cho con, phần còn lại để làm kế sinh nhai”. Anh Dũng cũng cho biết thêm, từ khi Báo SGGP đăng bài về hoàn cảnh gia đình anh, rất nhiều bạn đọc trực tiếp đến thăm và giúp đỡ.

Cụ thể, Hội từ thiện Ong Vàng TP Hội An và ông Kem Marsden - một du khách nước ngoài - đến trao tặng anh Dũng con bò giống để nuôi. Nhiều nhà hảo tâm ở TP Đà Nẵng chở đến cho bàn ghế, ti vi, giường, tủ và một số nhu yếu phẩm. Một công ty ở TPHCM đã cử đại diện ra Quảng Nam, về tận xã Điện Phong để khảo sát và làm thủ tục xây căn nhà tình thương để tặng gia đình anh Dũng trước mùa mưa lũ năm nay. Đặc biệt, một bạn đọc Báo SGGP (ở quận 3, TPHCM) đã gửi tặng gia đình anh Dũng cuốn sách về bồi dưỡng và phục hồi sức khỏe bằng phương pháp của người Nhật.

Gia đình anh Huỳnh Dũng

Đến thăm, gửi tận tay những món tiền chung góp của bạn đọc Báo SGGP, chúng tôi chung niềm vui với những người vừa vượt qua cơn khốn khó nhờ những tấm lòng, tình người của bạn đọc và những nhà hảo tâm.

NHƯ TRANG

Tin cùng chuyên mục