Sông lở vì… cát tặc

Sông Krông Ana và sông Krông Nô là hai nhánh chính đầu nguồn sông Sêrêpốk - con sông gắn bó mật thiết với đời sống cư dân hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông từ ngày xưa. Nhưng hiện nay, việc khai thác tràn lan ở hai con sông này đã làm sạt lở cả đôi bờ sông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân quanh vùng.
Sông lở vì… cát tặc

Sông Krông Ana và sông Krông Nô là hai nhánh chính đầu nguồn sông Sêrêpốk - con sông gắn bó mật thiết với đời sống cư dân hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông từ ngày xưa. Nhưng hiện nay, việc khai thác tràn lan ở hai con sông này đã làm sạt lở cả đôi bờ sông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân quanh vùng.

        “Sông mẹ” tràn ngập cát tặc

Ngồi lên chiếc ca nô của người dân địa phương, chúng tôi đi dọc đoạn sông Krông Ana chảy qua địa phận xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) và Yang Ré (huyện Krông Bông). Xuôi dòng sông về phía hạ lưu cầu Giang Sơn, có nhiều đoạn sạt lở hai bên bờ sông. Hàng chục chiếc tàu khai thác cát đang ngang nhiên thò “vòi rồng” vào bờ sông hút cát. Khi phóng viên đưa máy ảnh chụp, những chiếc tàu này nhanh chóng thu “vòi rồng” và chạy ra giữa dòng sông.

Ông Nguyễn Xuân Quang (cán bộ địa chính - xây dựng UBND xã Hòa Hiệp) cho biết, theo quy định thì các doanh nghiệp chỉ được khai thác cát dưới lòng sông chứ không được hút vào bờ sông. Tuy nhiên, “khi thấy kiểm tra thì họ chỉ hút cát ở lòng sông, nhưng khi rời đi thì họ lại ngang nhiên cho vòi rồng vào bờ sông hút cát. Trong khi đó, có nhiều hộ dân lại bán đất cho các chủ tàu khai thác cát bên bờ sông không thông qua xã. Bởi thế, xã gặp nhiều khó khăn khi xử lý những tàu hút cát lậu”, ông Quang cho hay.

Khai thác cát trên sông Krông Nô (xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô, Đắk Nông).

Khai thác cát trên sông Krông Nô (xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô, Đắk Nông).

Chiếc ca nô xuôi theo dòng sông, chúng tôi lại chứng kiến nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Tại đoạn sông chảy qua thôn 4 (xã Yang Ré), cát tặc đã làm sụp lở bờ sông vào sâu hơn 10m với diện tích khoảng 300m². Còn phía bờ sông xã Hòa Hiệp, chúng tôi đếm có khoảng 10 điểm sạt lở nghiêm trọng không kém. Có 4 giàn khoan tham gia khai thác cát trên sông trong khi tỉnh Đắk Lắk đã nghiêm cấm. Dưới chân cầu Giang Sơn (địa giới hai xã Hòa Hiệp và Yang Ré), có tới hơn 30 chiếc tàu hút cát đang đua nhau đưa cát về đây.

        “Sông cha” sạt lở đất…

Chung số phận, con sông cha - Krông Nô - cũng đang ngắc ngoải vì nạn cát tặc. Hàng trăm bến khai thác cát được hình thành tại các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Nâm N’Đir, Đắk Rồ, Buôn Chóa... của huyện Krông Nô đang làm cho dòng sông sâu thêm và ngày một phình to ra. Trên một đoạn sông ngắn qua các xã Nâm N’đir, Đắk Nang đã có đến 3 doanh nghiệp (DN) chia nhau khai thác cát trái phép gồm DNTN Hồng Hạnh, DNTN Quang Long và DNTN An Nghĩa. Mỗi DN chiếm giữ một đoạn sông dài từ 200 - 500m, có những bãi chứa cát rộng đến nửa hécta với những núi cát hàng ngàn mét khối.

Còn tại xã Quảng Phú là HTX Tiến Đạt, DNTN Văn Hồng, DNTN Thành Đô và hộ ông Ngô Văn Bằng làm cát lậu. Không phải khai thác quy mô nhỏ lẻ, các DN này trang bị cả sà lan trọng tải lớn, xe cuốc loại gàu 0,7m3, xe múc loại gàu 1m3 và những máy hút công suất 40 mã lực.

Theo chân anh Nguyễn Văn Vinh (chuyên viên văn phòng UBND xã Buôn Chóa), chúng tôi lội bộ ra bờ sông Krông Nô. Từ xa, đã nghe tiếng máy bơm của tàu hút cát hoạt động, phá tan bầu không khí tĩnh lặng của vùng quê nghèo. Trên chiếc tàu ghi chữ DNTN Phúc Lợi, những cái vòi rồng cắm thẳng vào lòng sông. Tiếng máy bơm ầm ì đang đe dọa từng ngày cuộc sống người dân.

Anh Vinh cho biết: “Trước đây đoạn sông chảy qua xã hẹp lắm, chỉ khoảng 20m nhưng do tàu hút cát đã làm sạt lở đất 2 bên bờ sông. Bây giờ bề ngang của đoạn sông này rộng cả trăm mét”. Còn anh Vi Văn Khánh (ở thôn Cao Sơn, xã Buôn Chóa) tâm sự: “Những chiếc tàu hút cát này đã có mặt tại đây hơn 10 năm rồi. Từ khi chúng hoạt động tại đây, nhiều nhà đã bị mất đất, thậm chí mất gần hết đất. Chúng tôi rất sợ những tàu hút cát này, biết rằng vòi hút cát cắm thẳng vào đất nhà mình nhưng chẳng dám nói vì sợ bị hành hung”. Tại đoạn sông Krông Nô chưa đầy 2km chảy qua xã Buôn Chóa, chúng tôi đã đếm được có hơn 10 điểm, bến và hàng chục sà lan hút cát hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm.

        Địa phương bất lực?

Trên đoạn sông Krông Ana hiện có 2 khu vực được tỉnh Đắk Lắk cấp phép khai thác cát là khu vực cầu chữ V (ở xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) và khu vực cầu Giang Sơn (đoạn chảy qua xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin và xã Yang Ré, huyện Krông Bông). Vào năm 2008, tỉnh cấp phép cho Công ty CP Vật liệu xây dựng Tây Nguyên khai thác dọc sông Krông Ana với chiều dài 23km tại khu vực cầu chữ V. Sau khi được cấp phép, công ty chỉ đưa 2 tàu vào khai thác, còn số tàu còn lại khoảng 10 chiếc của HTX Đoàn Kết hợp tác khai thác với công ty. Nhưng sau đó, HTX Đoàn Kết lại huy động thêm nhiều tàu tư nhân trong xã nhảy vào khai thác tràn lan tại đây làm bờ sông bị sạt lở.

Phía trên cầu Giang Sơn, tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Hưng Vũ khai thác 23km dọc sông Krông Ana. Ông Vũ Văn Luyến (Giám đốc Công ty TNHH Hưng Vũ) cho biết: “Trên đoạn sông tỉnh cấp phép cho chúng tôi, các tàu cát tư nhân địa phương luôn luôn khai thác trộm và cắm vòi thẳng vào bờ sông hút cát. Nếu bị công ty phát hiện, họ lại bảo công ty được cấp phép khai thác lòng sông thì cứ giữ lòng sông chứ họ khai thác trên bờ không liên quan gì đến công ty. Vì thế, chúng tôi cũng đành bó tay”.

Còn ông Nguyễn Văn Thiềm (Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, Sở TN-MT Đắk Lắk) cũng cho rằng rất khó xử lý việc khai thác cát tràn lan trên sông Krông Ana. “Muốn bắt được các tàu khai thác cát trộm, chúng tôi phải bắt được quả tang hoặc phải có bằng chứng bằng hình ảnh. Nhưng khi đoàn đến kiểm tra thì đã có người thông báo cho họ biết, khi đoàn đi họ lại tiếp tục khai thác. Nếu có bắt được quả tang, các tàu này liền chạy ra giữa sông và chúng tôi đành bó tay vì lúc này thuộc phạm vi xử lý của cảnh sát giao thông đường thủy”, ông Thiềm than thở.

Trên đoạn sông Krông Nô chảy qua xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô, Đắk Nông), chính quyền địa phương cũng bất lực trước tình trạng cát tặc xâm lấn bờ sông.

Ông Chu Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa, trăn trở: “Bao đời nay, hàng trăm hộ dân trong xã chúng tôi sống nhờ vào phù sa của dòng sông Krông Nô. Nhưng đã 10 năm nay, bờ sông này bị sạt lở và hàng trăm hécta ruộng nương của người dân bị trôi xuống sông. Hàng ngày, trên đoạn sông này có hơn 30 tàu hút cát hoạt động rầm rộ từ 4 giờ cho tới 19 giờ, bình quân mỗi tàu hút 3 chuyến/ngày, mỗi chuyến hơn 20m³. Như vậy, một ngày trên khúc sông đoạn qua xã Buôn Chóa có tới 1.800m³ cát được hút lên, làm cho dòng sông sâu thêm và đôi bờ bị sạt lở”.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục