Công trình thủy điện Plei Krông nằm trên địa phận huyện Sa Thầy và TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) hòa lưới điện quốc gia đã nhiều năm qua. Song đến thời điểm này, cuộc sống của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng tái định cư lòng hồ vẫn còn trong “ngõ cụt”. Công tác đền bù, tái định cư của Ban Quản lý Dự án thủy điện 4 (Ban 4 - thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) vẫn còn nhiều bất cập, gây bức xúc, lo lắng cho người dân.
Thiếu đất, thiếu nước
Đến làng Kto, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) vào lúc trời gần đứng bóng. Theo chỉ dẫn của một cán bộ UBND xã, chúng tôi đến thăm gia đình vợ chồng anh A Mao (SN 1982), một trong những cư dân đầu tiên đến sinh sống tại khu tái định cư xã Hơ Moong.
Trong căn nhà chật hẹp, nóng hầm hập, anh A Mao buồn bã nói: “Vợ chồng mình có 7 đứa con, trước đây khi còn ở xã Kroong, TP Kon Tum, mình có 5 ha đất trồng lúa, trồng mì…, cuộc sống của gia đình khá đầy đủ. Năm 2006, mình để lại đất đai, nhà cửa cho người ta xây dựng công trình thủy điện rồi chuyển đến vùng đất này. Lúc mới đến, gia đình được cấp 800m² đất để làm ruộng. Nhưng đến nay, đám ruộng này vẫn đang bỏ hoang vì không có nước tưới”.
Có đất nhưng không thể sản xuất, bỗng dưng vợ chồng anh trở thành thất nghiệp. Số tiền 15 triệu đồng của Ban 4 hỗ trợ chỉ đủ cho gia đình anh mua gạo, muối cầm cự trong một thời gian ngắn. Để nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn, hai vợ chồng phải bươn chải làm thuê, làm mướn khắp làng xa, bản gần kiếm cơm từng bữa.
Ngồi trước căn nhà ngói đỏ thoáng mát nhưng chị Y Gứt, làng Kto (xã Hơ Moong), bức xúc: “Gia đình mình về đây từ ngày lập làng, được cấp 1ha đất nhưng lại bị tranh chấp với người dân ở vùng đất cũ, còn 400m² đất ruộng không có nước tưới. Cả gia đình chỉ sống dựa vào tiền đền bù của Ban 4. Không biết thời gian tới gia đình mình sẽ sống thế nào đây”.
Sau khi công trình thủy điện Plei Krông ngăn dòng tích nước lòng hồ, nhiều diện tích nhà cửa, ruộng vườn của bà con Ba Na, Rơ Ngao, Ja Rai ở các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô và TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) bị ngập trong nước. Trước tình hình đó, Ban 4 đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân đến tái định cư ở xã Hơ Moong.
Khi chuyển đến đây, mỗi gia đình được cấp một ngôi nhà cấp 4 (tường xây, mái lợp tôn) với diện tích 60m²; 1ha đất rẫy trồng các cây nông nghiệp; một sào ruộng nước và 400m² đất thổ cư. Về lương thực, trong năm đầu tiên, mỗi nhân khẩu được cấp 30kg gạo/tháng... Bây giờ, gạo, tiền hỗ trợ đã ăn hết, mà đất vẫn bỏ không, chưa làm ra hạt lúa mới…
Kiến nghị và... chờ đợi
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề “hậu thủy điện Plei Krông”, ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy), cho biết: “Khi xây dựng khu tái định cư, Ban 4 có đầu tư hai hệ thống đập tưới Đăk San, Đăk Nui để phục vụ việc tưới tiêu, trồng trọt cho bà con. Nhưng từ khi xây dựng đến nay, hai đập tưới này luôn trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, chỉ đảm bảo 40% - 50% công suất thiết kế. Nhiều năm rồi, chủ đầu tư vẫn không khắc phục, gây khó khăn cho việc sản xuất, trồng trọt của người dân vùng tái định cư”.
Cũng theo ông Niệm, kinh tế xã Hơ Moong chậm phát triển, cuộc sống của các hộ dân vẫn còn nghèo đói là do thiếu quỹ đất. Theo Chương trình 134 của Chính phủ, mỗi hộ tái định cư được chia 1 - 1,2ha đất sản xuất, 700m² ruộng lúa sản xuất 2 vụ. Nhưng từ tháng 5-2005 đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận đủ đất, chưa kể một số hộ dân không nhận đất do Ban 4 khai hoang vì đất quá xấu, không thể sản xuất được...
Để giải quyết những vấn đề bức xúc trên, lãnh đạo chính quyền xã Hơ Moong đã rất nhiều lần kiến nghị lên Ban 4 và UBND tỉnh Kon Tum, nhưng sự việc vẫn chỉ dừng lại ở mức kiến nghị và... chờ đợi. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết: “UBND tỉnh cũng đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban 4 để giải quyết những tồn tại trong công tác đền bù và tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông. Tuy nhiên đến nay, những tồn tại này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.
ĐỨC TRUNG