Sự cần thiết của giáo dục về biến đổi khí hậu

Vào “ngôi trường xanh” Green School Bali, Indonesia, học sinh sẽ được gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Các lớp học xung quanh là tre và cây rừng, bài học hàng ngày đều tập trung vào giải quyết những thách thức mà hành tinh phải đối mặt như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
Sự cần thiết của giáo dục về biến đổi khí hậu

Theo CNA, thầy Sal Gordon, Hiệu trưởng của trường, cho biết: “Một phần quan trọng của việc giáo dục về môi trường là tìm lại sự kết nối với thiên nhiên mà con người đã đánh mất trong những năm qua”. Vì vậy, ngôi trường này tạo điều kiện cho các em học sinh tắm mưa, lội bùn, thăm vườn, ruộng lúa...

Thầy Gordon nói thêm: “Bản thân khuôn viên trường là một phần trong lớp học của chúng tôi”. Khuôn viên Trường Green School Bali được xây từ các vật liệu bền vững, năng lượng tái tạo và các phòng học không có tường. Những mô hình như vậy hiện rất hiếm trên thế giới, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Trọng tâm của các bài học nhắm đến phát triển bền vững và những giải pháp với tình trạng biến đổi khí hậu. Các bài học gắn liền với thực tế nên mang lại hiệu quả cao hơn.

Nhu cầu đưa giáo dục môi trường, chống biến đổi khí hậu vào nhà trường hiện đã gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới. Dự kiến, tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc diễn ra ở Glasgow (từ ngày 31-10 đến 12-11), một liên minh do tổ chức phi chính phủ Earthday.org dẫn đầu sẽ chính thức đề nghị đưa giáo dục về biến đổi khí hậu trở thành môn học bắt buộc trong mọi lớp học trên thế giới.

Đến nay, hàng trăm tổ chức đã ký vào thư kiến nghị gửi tới Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Liên đoàn Giáo dục quốc tế (đại diện cho hàng triệu giáo viên và nhân viên trong ngành giáo dục toàn cầu) yêu cầu đưa giáo dục về biến đổi khí hậu vào nhà trường.

Ông Nicholas Nuttall, Giám đốc truyền thông chiến lược quốc tế của Earthday.org cho biết, giáo dục về biến đổi khí hậu đã xuất hiện từ lâu trong các học thuyết quốc tế nhưng hiếm khi được ưu tiên phổ biến cho cộng đồng.

Theo ông, hiện tại, môn học này hầu như không có trong các chương trình giảng dạy ở các quốc gia và chỉ được các giáo viên nhiệt tình hoặc các trường có tư duy tiến bộ dạy phụ đạo. Trên thế giới hiện chỉ có Italy đã đưa giáo dục về biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy quốc gia. Bắt đầu từ tháng 9-2020, học sinh từ 6-19 tuổi đã được học những chủ đề về biến đổi khí hậu trong các bài học hàng ngày.

Nghiên cứu cho thấy, môn học như vậy có thể tác động đáng kể trên toàn cầu khi giúp cắt giảm lượng khí thải CO2 vào năm 2050. Thậm chí, giáo dục có thể là đòn bẩy mạnh mẽ hơn để chống biến đổi khí hậu hơn là tăng đầu tư vào năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió.

Tại Đông Nam Á - khu vực đã chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, việc triển khai các chương trình giáo dục chú trọng đến vấn đề này vẫn còn chậm. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) thừa nhận, còn nhiều rào cản lớn ở khu vực này.

Trong một báo cáo đánh giá chính sách năm 2021, UNESCO kết luận, giáo dục về biến đổi khí hậu “chưa được xem là một lĩnh vực độc lập” và “vẫn còn rất sơ khai” ở Đông Nam Á. Môn học này vẫn là môn ngoại khóa. Thông qua môn học về biến đổi khí hậu, UNESCO muốn thúc đẩy khả năng đóng góp vào các giải pháp của những người trẻ tuổi và trao quyền cho họ để giải quyết vấn đề này trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục