LTS: Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định thoát ly gia đình, dấn thân vào hoạt động cách mạng trong chiến khu, cam chịu cảnh sống khắc khổ, gian truân không ít. Chính họ là những ngọn cờ hiệu triệu nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân sống trong vùng địch tạm kiểm soát. Bên cạnh những gương mặt trí thức mà tên gọi đã đi vào lịch sử như bác sĩ Phùng Văn Cung, giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, giáo sư Lê Văn Huấn, kỹ sư Lê Văn Thà, đặc biệt là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, còn có rất nhiều những trí thức khác, cả ở nội thành và vùng giải phóng, cũng là những cuộc đời sôi nổi, nhiệt tình yêu nước thương dân, thể hiện ở nhiều góc độ và mức độ khác nhau. Mỗi cuộc đời đó như một nét khắc họa đầy ý nghĩa vào thiên sử anh hùng của dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9, Báo SGGP giới thiệu bài viết của tác giả Hồng Điểu, bút danh của đồng chí Nguyễn Trọng Xuất - Tổng thư ký Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam bộ Kháng chiến TP.
1. Năm 1954 tôi dạy học ở Tiền Giang, vừa là giám đốc Trường Trung học tư thục Nguyễn Công Trứ - ở thành phố Mỹ Tho. Ngôi trường quy tụ những anh chị em giáo viên yêu nước, chống lại chính sách “Tố cộng, diệt cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm, một chính quyền phát xít, gia đình trị, sản phẩm của chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ nhằm phá hoại Hiệp định Genève, chia cắt lâu dài đất nước. Vì lẽ đó Trường Nguyễn Công Trứ bị địch đưa vào sổ đen: “Một ngôi trường Việt Cộng” ở giữa thành phố.
Năm 1957 tôi bị địch truy bắt, phải tạm lánh lên Sài Gòn, vừa dạy học vừa hoạt động cách mạng.
Ở Sài Gòn tôi có người bạn thân, cũng là giáo viên, đã cùng tôi tham gia Học sinh Cứu quốc những năm đầu Nam bộ kháng chiến. Tôi đến thăm anh ở ngôi nhà nhỏ gần chợ Thái Bình (quận 1). Anh đang soạn giáo án cho tiết dạy ngày hôm sau. Sau vài câu chuyện hàn huyên qua nhiều năm xa cách, tôi ngỏ ý mời anh tiếp tục tham gia cách mạng với tư cách là người trí thức yêu nước, phản đối chính sách “tố cộng, diệt cộng” của chính quyền Sài Gòn.
Anh lặng lẽ nghe tôi, mắt đăm đăm, xa xôi trong suy tư… Tôi hiểu rằng trong anh đang có cuộc đấu tranh gay gắt giữa một bên là lý tưởng, hoài bão một thời chúng tôi đã cùng nhau sôi nổi tham gia Cách mạng Tháng Tám 1945 và một bên là hoàn cảnh hiện tại - nói như nhà văn Nam Cao, “sống mòn” dưới đe dọa chết người của bộ máy đàn áp khủng khiếp dưới chế độ Sài Gòn.
Anh nhìn tôi rất lâu, rồi chậm rãi nói: Bây giờ tôi chỉ muốn làm một nhà “văn hóa” thôi. Không muốn dấn thân vào chính trị.
Tôi hơi bất ngờ về câu trả lời của anh, tuy thật lòng nhưng sao mà chua xót quá! Tôi nói: Anh chọn con đường “văn hóa” trong lúc văn hóa đang suy đồi vì sự xâm lược của văn hóa Mỹ, tôi nghĩ đó là một chọn lựa có ý nghĩa của người trí thức. Nhưng nội hàm “văn hóa” của cái nghề dạy học của chúng ta hiện nay là gì? Phải chăng chúng ta cần nhất thiết đưa vào bài giảng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, khơi dậy nét đẹp văn hóa Việt Nam trong tâm hồn trẻ thơ, con em của chúng ta trên ghế nhà trường vùng địch chiếm, để đánh bạt những nọc độc của thứ “văn hóa” không đáng gọi là văn hóa?
- Đúng vậy! Làm văn hóa thì phải như vậy. Anh sôi nổi hưởng ứng. Tôi nói: Nếu anh dạy học trò chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, lớp trẻ sẽ làm như anh dạy. Chúng sẽ trở thành lực lượng xung kích chống lại chế độ lệ thuộc Mỹ hiện nay. Lúc đó địch chắc sẽ không để yên cho người đã dạy cho lớp thanh thiếu niên Việt Nam tư tưởng chống lại chúng. Tới chừng đó, dẫu muốn anh cũng không thể đứng ngoài chính trị được! Vì bởi văn hóa nào mà không mang nội hàm chính trị?
Mấy năm sau, khi Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, tôi được tin anh đã ra vùng giải phóng và đang lãnh đạo ngành giáo dục cách mạng ở một địa phương…
Những nhà giáo chúng tôi đã từng có lúc ở ngã ba đường như thế, phải đứng trước những chọn lựa có quan hệ đến cả cuộc đời mình và hầu hết chúng tôi đã có chọn lựa đúng, đã đi đến cùng, trung thành với sự lựa chọn của mình.
2. Tôi có người thầy học từ những ngày còn là học sinh - giáo sư Nguyễn Văn Kiết. Thầy tốt nghiệp khoa Văn và khoa Triết ở Đại học Sorbonne, Pháp, từ những năm đầu thế kỷ XX; rồi về dạy học ở Cần Thơ, Mỹ Tho.
Những năm đầu chống Mỹ, tôi được phân công phụ trách chi bộ giáo dục ở thành phố Mỹ Tho. Tôi đến thăm thầy và đề nghị thầy tham gia hoạt động cách mạng, vì trong giảng dạy, thầy thường dẫn tư tưởng của Marx, Engels, Lênin… Thầy tiếp chúng tôi trong ngôi nhà riêng dành cho những nhà giáo lão thành. Thầy nói chậm rãi, chân thành… như trò chuyện với những người bạn tri kỷ, dù chúng tôi là những học trò nhỏ của thầy:
- Thầy giác ngộ lý tưởng xã hội chủ nghĩa là qua các chiến sĩ đồng thời là những nhà hiền triết của phong trào cách mạng. Chân lý mang tính khoa học đó đã là lẽ sống tinh thần của thầy. Nhưng sức khỏe của thầy từ nhỏ đã xấu, nay càng kém. Thầy không thể xông pha được như các em; lại càng khó thích nghi với cuộc sống kham khổ ở bưng biền. Cho nên các em cứ xem thầy như một cảm tình viên là được rồi. Thầy không xứng với tiêu chuẩn người đảng viên cộng sản đâu!
…Bẵng đi hơn 10 năm kể từ ngày tôi thoát ly gia đình vào hẳn vùng giải phóng công tác; bỗng một hôm ngồi nghe Đài phát thanh Giải phóng, tôi được tin thầy, Giáo sư Nguyễn Văn Kiết, là Phó chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Phó chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, phụ trách Bộ Giáo dục và Thanh niên... Thật bất ngờ! Cơ quan tôi đóng xa nơi thầy đang ở, cũng trong vùng giải phóng, tôi mừng quá, thức suốt đêm viết cho thầy một lá thư. Tôi không còn nhớ nguyên văn vì thời gian qua đã quá lâu, nhưng những ý chính thì tôi không thể nào quên: “Thưa thầy! Ngày xưa thầy tâm sự với các em là sức khỏe của thầy không kham nổi cuộc sống gian lao, vất vả ở chiến khu, mặc dầu thầy chọn chân lý là chủ nghĩa xã hội qua luận điểm khoa học thuyết phục của chủ nghĩa Marx – Engels - Lênin. Nhưng hơn 10 năm đã qua các em lại gặp thầy ngay ở chiến khu, giữa rừng bom đạn dày đặc của quân địch…! Mười năm phải chăng thời gian đủ cho một chọn lựa chính xác và dũng cảm? Chắc không phải yếu tố thời gian đã quyết định cho một chọn lựa, như thầy đã dạy chúng em - khí phách và bản lĩnh Việt Nam đã giúp chúng ta làm được…”.
Ít lâu sau, tôi nhận được thư của thầy. Thư rất ngắn: “Thân gởi em X! Thư em nhắc tôi một kỷ niệm cũ, mà sao lời thư của em dễ thương quá! Chúc em mạnh”… Cho đến nay, thầy tôi, bạn tôi đều đã đi xa, nhưng cái đáng quý của họ chính là sự chọn lựa, dù có lúc khó khăn, nhưng luôn là sự chọn lựa đúng. Và chúng tôi đã đồng hành cùng dân tộc suốt nhiều thập kỷ qua, với ánh sáng của sự chọn lựa đúng đắn ấy!
HỒNG ĐIỂU